Bánh mì vốn là món ăn quen thuộc hàng ngày được đông đảo độ tuổi ưa chuộng, từ người già đến trẻ nhỏ, từ mọi tầng lớp trong xã hội... Từ vài nghìn đến vài chục nghìn, chúng ta đã có ổ bánh mì thơm ngon. Thế nhưng gần đây, trước thông tin bánh mì gây ngộ độc hơn 500 người ở Đồng Nai khiến nhiều người lo sợ. Khi quan sát thực tế, nỗi lo này càng có căn cứ.
Khảo sát bánh mì pate, bánh mì ruốc thịt bán trên đường phố... tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Ghé một cửa hàng bánh mì vào giữa trưa nắng gắt trên đường Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội), chủ quán nhanh chóng làm cho thực khách một chiếc bánh bánh mì pate. Nhân pate được lấy ra từ tủ đông lạnh, vội vàng cắt thành những lát mỏng, sau đó đem rán ngập mỡ cho vào bánh mì. Kèm tương ớt, rau sống, dưa chuột... ăn kèm, chỉ chưa đầy 5 phút, bánh mì đã đến tay người mua.
Ngồi nhẩn nha ăn từng miếng bánh mì, nóng lòng đợi chờ chủ quán xử lý sao với cục pate vừa lôi khỏi tủ, đem thái lát trên mặt thớt, tuyệt nhiên... không thấy động tĩnh gì, thái lát vẫn để đó, cục nguyên cũng để vậy.
Khi được hỏi, anh T. (chủ quán) cười nói: "Em thái sẵn để đó cũng tiện, lát có khách đỡ phải làm".
Nhưng giữa trời ban trưa nắng nóng đỉnh điểm, cũng đã quá bữa ăn, không thấy bóng người nào vào quán. Còn những miếng pate thì cứ được thái phơi trên thớt, không che đậy, không cất tủ lạnh dấy lên nỗi lo ngại vi khuẩn sinh sôi, gây ngộ độc thực phẩm.
Dừng lại một hàng bánh mì kéo xe di chuyển trên hè phố ở Trần Phú (Hà Đông), dưới cái nóng buổi chiều bốc lên hầm hập từ mặt đường, khách hỏi mua một chiếc bánh mì pate trứng. Chủ quán tươi cười đập trứng, tráng trứng thật nhanh, sau đó lấy đôi đũa ngoáy vào chiếc xoong đựng pate nửa kín nửa hở, rồi vội vàng đóng kín lại.
Tưởng rằng anh chủ quán sẽ đem chiên pate trước khi cho vào ổ bánh, nhưng không, anh cho thẳng vào ruột bánh mì đã được rạch. Vội hỏi sao anh không làm nóng lại pate, anh cười hề hề: "Ôi chị không dặn trước nên em không làm. Bình thường, khách toàn thích em cho thẳng pate như thế ạ". Nghe xong thoáng thấy lo ngại, trời thì nóng, không biết pate cho vào xoong từ bao giờ, lại được ủ cạnh mặt đường hầm hập, không được hâm lại trước khi ăn, sao yên tâm?
Những quán xá bán bánh mì như này xuất hiện rất nhiều trên các đường phố. Cùng với những nhân pate, thịt, ruốc để ngoài trời nóng kéo dài từ chiều đến tối đêm là dưa góp, rau sống, là những chai tương ớt đi kèm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chưa kể, khói bụi ngoài đường quyện vào những món ăn là điều khó tránh.
Quan sát thêm một lúc, hóa ra những lọ tương ớt dán nhãn hiệu đầy uy tín chỉ có cái vỏ đúng nghĩa đen, đặt khắp các bàn ăn cho thực khách. Còn lại, cả can tương ớt không rõ nguồn gốc, xuất xứ nằm ngay dưới chân gian hàng bán bánh mì, sẵn sàng bổ sung cho lượng khách đông đảo.
Cẩn trọng khi ăn bánh mì vào mùa nắng nóng, nhất là ở đường phố, vỉa hè
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, những loại nhân để làm bánh mì trong thời tiết hiện nay tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
"Thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi rất nhanh, nhất là với điều kiện bảo quản thực phẩm kém hơn khi bán hàng ở xe kéo, vỉa hè, đường phố... Nhiều khi không phải do nguyên liệu chế biến không đảm bảo mà là do khâu bảo quản chưa đúng cách, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm", chuyên gia khẳng định.
Đối với những thực phẩm khi đã nhiễm độc tố, mặc dù đun sôi ở nhiệt độ cao các vi sinh vật có thể bị tiêu diệt nhưng độc tố chúng sinh ra không mất đi, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc. Trong đó, những thực phẩm như thịt, trứng, sữa, pate, giò chả... là môi trường giàu dinh dưỡng, protein, tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển độc tố.
Đáng nói, tình trạng này nói riêng và thức ăn đường phố nói chung rất khó kiểm soát hiện nay. Người mua cần ý thức bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình, tránh hậu quả đáng tiếc. Nên chọn cơ sở ăn uống sạch sẽ, thoáng mát, có nhãn mác, thương hiệu, đã đăng ký kinh doanh…
Ngoài ra, khi làm món ăn, người bán hàng cần đeo khẩu trang, bao tay, khu vực bán đồ ăn cần có tủ kính, nắp đậy tránh côn trùng... Đây là điều mà hầu hết các cửa hàng di động nơi vỉa hè, đường phố đều không tuân thủ đầy đủ.