Thế nào là hẹp bao quy đầu ở trẻ?
Bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Một trong những biểu hiện hẹp bao quy đầu rõ nhất ở trẻ mà cha mẹ có thể quan sát được đó là khi bé trai đi tiểu, tia nước tiểu không vọt xa và lệch hẳn về một bên, phần da bao quy đầu phía dưới bị phồng lên.
Theo thống kê của bộ Y tế, có đến 96% trẻ sơ sinh (các bé trai) gặp phải tình trạng hẹp bao quy đầu. Khi bé lớn lên sẽ có hai dạng hẹp bao quy đầu thường gặp là hẹp sinh lý và hẹp bệnh lý.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó gây ra. Khi xác định được trẻ bị hẹp bao quy đầu do bệnh lý và không được nong đúng cách, nước tiểu dễ ứ đọng, gây viêm nhiễm dương vật, thậm chí nhiễm trùng tiết niệu, viêm bàng quang.
Hiện tượng hẹp bao qui đầu sinh lý ở trẻ không cần điều trị, trẻ sẽ tự khỏi khi lớn lên. Tuy nhiên, nếu trẻ lên 5 – 6 tuổi mà quy đầu vẫn không tụt xuống được thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn biện pháp nong quy đầu cho bé.
Tự nong bao quy đầu cho trẻ tại nhà
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng I cho biết, cha mẹ nên ngâm nước ấm để làm mềm da cho trẻ trước khi thực hiện nong. Sử dụng dầu dưỡng dành cho trẻ, dầu Vaseline bôi tay, hay dầu dưỡng cơ thể (tránh dùng loại gây kích ứng) làm chất bôi trơn. Nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước vài lần, rồi kéo ngược lại về phía sau tới mức bé chịu đựng được. Giữ nguyên tư thế đó trong vài phút và lặp lại vài lần mỗi ngày.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể sử dụng kem bôi có chứa corticoid theo chỉ định của bác sĩ để giảm tình trạng hẹp bao quy đầu. Đây cũng là một trong những phương pháp đã được các nhà khoa học công nhận về hiệu quả. Tuy nhiên, cần phải kiên trì thực hiện bôi thuốc cho trẻ vì kết quả mang lại rất chậm.
Lưu ý:
Sau khi đưa trẻ đến bác sĩ để thực hiện nong bao quy đầu thì cha mẹ vẫn cần duy trì thực hiện nong tại nhà cho trẻ, nếu không sẽ bị hẹp trở lại.
Với bé trai dưới 4 tuổi, không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.
Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp trên trước khi chuyển sang các biện pháp can thiệp ngoại khoa.