1000 ngày đầu đời với sự phát triển của trẻ
Bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương, Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, cho biết ngoài mối quan tâm làm sao để trẻ luôn khỏe mạnh và hạnh phúc, dinh dưỡng cũng là chủ đề ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh khi chăm sóc con nhỏ.
Theo đó, bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương nhấn mạnh khoảng thời gian 1000 ngày đầu đời đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của não bộ trẻ em.
1000 ngày đầu đời của trẻ em bao gồm: 9 tháng 10 ngày mẹ mang thai + 362 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm tiếp theo.
Sự phát triển của não bộ ảnh hưởng đến hệ thống giác quan của trẻ. Hoạt động học tập, khả năng ghi nhớ, sự chú ý, tốc độ xử lý, khả năng kiểm soát tâm trạng, và thậm chí cả khả năng thực hiện hoặc lên kế hoạch đều do hệ thần kinh trung ương nằm trong bộ não tiếp nhận và xử lý.
Bác sĩ Thùy Dương thông tin: “Các nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard đã chứng minh sự thay đổi của não bộ phụ thuộc vào môi trường sống của bé. Và cách bé được yêu thương, nuôi dưỡng là điều cốt yếu đối với những thay đổi này”.
Dinh dưỡng cho trẻ trong 1000 ngày đầu đời
Bác sĩ Thùy Dương nhấn mạnh trẻ luôn cần tình yêu thương và đầy đủ dinh dưỡng trong suốt thai kỳ đến 2 năm đầu đời và mãi về sau.
Đối với trẻ, sữa mẹ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Không chỉ vì sữa mẹ là thực phẩm đầu tiên hoàn hảo mà còn vì tiếp xúc gần gũi với người mẹ là một trong những cách yêu thương và giáo dục trẻ trọn vẹn nhất từ giai đoạn đầu.
Khi cho bé ăn, cha mẹ hãy chú ý các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của não:
Đạm: Trong các loại thịt, hải sản, đậu, trứng, sữa.
Kẽm: Hàu, các loại thịt, cá, các sản phẩm từ sữa và các loại hạt.
Sắt: Thịt, đậu, ngũ cốc, rau lá xanh đậm và khoai tây là những nguồn cung cấp sắt tốt.
Choline: Thịt, sữa và trứng có rất nhiều choline, và một số loại rau.
Folate: Có thể tìm thấy trong gan, ngũ cốc, cải bó xôi…
Iốt: Rong biển là một nguồn tuyệt vời của iốt, ngoài ra còn từ muối iốt, hải sản, các sản phẩm từ sữa và ngũ cốc.
Vitamin A: Gan, cà rốt, khoai lang, và cải bó xôi.
Vitamin D: Cá hồi, dầu gan cá, sữa.
Vitamin B6: Gan, cá, khoai tây và các loại rau quả có tinh bột khác, và trái cây (không phải cam quýt).
Vitamin B12: Thịt, cá, trứng, sữa.
Axit béo không bão hòa chuỗi dài: Dễ tìm thấy nhất trong cá hồi và dầu cá, nhưng cũng có thể tìm thấy trong một số loại dầu khác (1 thức ăn gần gũi của người Việt Nam là cá cơm ).