Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây thì khả năng mắc bệnh là rất lớn.
Phương thức lây truyền của bệnh sởi
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở mũi họng của bệnh nhân.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua những đồ vật mới bị nhiễm các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân (thường xảy ra ở các trường mẫu giáo, tiểu học).
Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Ai có nguy cơ mắc sởi?
Bệnh sởi gặp nhiều ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trong đó, trẻ em không được tiêm vắc xin sởi có nguy cơ cao nhất mắc bệnh sởi, bị các biến chứng của bệnh sởi.
Những người không có miễn dịch với vi rút sởi (người không được tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin nhưng không sinh miễn dịch) đều có thể bị mắc sởi.
Bệnh làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể nên thường kèm theo biến chứng như viêm phế quản, viêm tai, tiêu chảy gây nên do vi khuẩn gây bệnh có điều kiện.
Các biểu hiện của bệnh sởi?
Biểu hiện của bệnh bao gồm: Sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng (Koplik) ở niêm mạc miệng.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Sự nguy hiểm của bệnh viêm phổi và bệnh sởi
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), hàng năm ghi nhận trên 1,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do viêm phổi, nhiều hơn cả số bệnh nhân tử vong do HIV/AIDS, sốt rét và lao cộng lại. Sởi cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, tuy nhiên có số tử vong thấp hơn rất nhiều so với bệnh viêm phổi.
Các biện pháp chủ yếu phòng bệnh sởi
Việc phòng bệnh sởi theo biện pháp thông thường là rất khó khăn. Chỉ có tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Do đó, các biện pháp phòng bệnh sởi tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
- Nâng cao sức đề kháng cơ thể.
- Cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
- Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh
Điều trị và chăm sóc bệnh nhi mắc sởi
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi. Việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng.
Do đó, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biện chứng nặng của sởi và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.
Hiện nay, phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sởi đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc. Các bệnh viện tỉnh, huyện đều có thể điều trị bệnh sởi. Do đó đối với những trẻ mắc sởi ở các thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để phòng chống bệnh sởi
Chủ động đưa toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng từ 9 - 24 tháng tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc xin sởi theo kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Những nơi có các ổ dịch tập trung, trẻ có nguy cơ cao cần được tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của cơ quan y tế địa phương.
Đối với các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cần đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với các loại bệnh có vắc xin dự phòng, trong đó có vắc xin sởi.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi.
Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
(Theo Cục Y tế dự phòng)