Trị vết muỗi đốt ở trẻ em
Theo nghiên cứu, da thịt của người lớn và trẻ em có mùi thơm sẽ kích thích muỗi nhiều hơn. Ở trẻ em, vết muỗi đốt làm làn da nhạy cảm của bé bị tấy đỏ. Vết tấy đỏ chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn rồi hết.
Tuy nhiên, một số bé có cơ địa dị ứng với nước bọt của muỗi sẽ bị tấy đỏ nhiều hơn. Cách chữa trong trường hợp này tương tự như khi trẻ bị dị ứng. Muỗi đốt gây ngứa khiến trẻ liên tục gãi làm nhiễm trùng da, để lại sẹo.
Do đó, khi trẻ bị muỗi đốt, cha mẹ cần lưu ý:
- Hạn chế trẻ gãi lên vết ngứa đồng thời cắt móng tay cho trẻ, tránh gãi mạnh tay làm trầy xước da. Nếu trẻ muốn gãi ngứa, mẹ nên để trẻ gãi qua một lớp vải.
- Bôi các chất gây nóng sẽ làm bỏng da, sinh ra bọng nước. Mẹ bôi dầu nóng cho trẻ cũng sẽ làm da đỏ thêm. Nên sử dụng dung dịch milian bôi lên vùng da tổn thương nếu bị phồng rộp.
- Nếu vết muỗi đốt tấy đỏ, mẹ nên chườm mát. Đồng thời bôi các loại kem giữ ẩm dành cho trẻ. Khi trẻ liên tục ngứa ngáy, mẹ nên bôi thuốc có chứa corticoide liều thấp (trên thực tế, hiếm khi cần phải sử dụng loại thuốc này). Cơn ngứa ngáy khiến trẻ khó chịu thì cho uống thuốc giảm ngứa, thuốc chống dị ứng.
Đề phòng muỗi đốt ở trẻ em
Trẻ bị muỗi đốt không chỉ bị sưng đỏ da mà còn có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết. Để đề phòng trẻ bị muỗi đốt, cha mẹ cần lưu ý:
- Tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy xung quanh nhà, không để nước đọng trong các chai lọ, xô, chậu ngoài trời để muỗi không có nơi sinh sản.
- Cho trẻ mặc áo dài tay, màu sáng hạn chế thu hút muỗi.
- Muỗi thường hoạt động vào chiều tối, xuất hiện nhiều ở nơi thiếu ánh sáng. Khi trời lạnh, có gió nhiều muỗi sẽ ít hoạt động hơn. Tuy nhiên, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào ban ngày. Những gia đình trồng nhiều cây xanh, sống gần ao hồ nên mắc màn cho trẻ khi ngủ kể cả ban ngày.
- Khi chọn sản phẩm kem bôi chống muỗi đốt, nên chọn loại có nguồn gốc thiên nhiên tùy theo lứa tuổi.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
(Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM)