Vào 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, đầy bụng,...) dẫn đến chán ăn, mệt mỏi. Rối loạn tiêu hóa khi mang thai vào những tháng cuối có thể làm tăng nguy cơ dọa sinh non.
Nguyên nhân rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Nhiều nghiên cứu về rối loạn tiêu hóa khi mang thai cho thấy khoảng 72% phụ nữ mang thai sẽ gặp phải ít nhất một chứng rối loạn tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy,...) trong giai đoạn đầu. Và 61% bà bầu sẽ gặp phải rối loạn tiêu hóa ở giai đoạn cuối thai kỳ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, trong quá trình mang thai, những biến đổi về nội tiết, đặc biệt là những nội tiết giúp thai nhi phát triển đã tác động, khiến chị em gặp một số vấn đề khó khăn về tiêu hóa: Nôn ói (vào quý đầu và cuối của thai kỳ), ợ hơi, ợ chua, tiêu chảy, táo bón,...
Trong suốt thai kỳ, sự gia tăng nồng độ hormone progesterone làm giảm nhu động ruột, dẫn đến thức ăn bị lưu lại lâu trong đường tiêu hóa và xảy ra tình trạng táo bón. Ngoài ra, hormone progesterone tăng cũng gây ra ợ hơi, ợ nóng, trào ngược dạ dày. Đồng thời, sự phát triển của thai nhi khiến kích thước tử cung của mẹ bầu cũng tăng lên, chèn ép ruột già khiến tình trạng táo bón ở những tháng cuối thai kỳ thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai rất nhạy cảm với thức ăn nên hệ tiêu hóa dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến tiêu chảy. Tỷ lệ bà bầu bị tiêu chảy ít hơn táo bón. Tuy nhiên, tiêu chảy lại khiến mẹ bầu mất sức và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mẹ và bé.
Giải pháp hạn chế rối loạn tiêu hóa khi mang thai
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên phụ nữ mang thai nên xây dựng chế độ dinh dưỡng có mức năng lượng cao hơn so với người bình thường khoảng 30%.
Bà bầu nên chú ý lựa chọn thực phẩm có giá trị sinh học, hữu cơ và dễ hấp thụ như: Các loại rau, đậu, cá,... Chị em nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa để hệ tiêu hóa hấp thụ chất dinh dưỡng dễ hơn và hạn chế các vấn đề về rối loạn tiêu hóa khi mang thai.
Chế độ ăn uống khoa học là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề rối loạn tiêu hóa khi mang thai. Theo đó, mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ (khoai lang, rau xanh, bí đỏ, các loại đậu, trái cây,...) để hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, nhuận trường, đồng thời làm sạch và cuốn các vi khuẩn ra bên ngoài.
Uống nhiều nước
Phụ nữ mang thai nên uống nhiều nước mỗi ngày (từ 2.5-3 lít), bao gồm: nước lọc, nước ép trái cây, sữa,... không nên uống cà phê, trà đặc, nước có ga. Ngay cả khi không khát, mẹ bầu cũng nên uống nước để đảm bảo đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể và thai nhi.
Xây dựng chế độ vận động hợp lý
Mẹ bầu thường có cảm giác nặng nề nên lười vận động, khiến các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi,... thêm trầm trọng. Do đó, chị em nên xây dựng chế độ vận động hợp lý, thường xuyên đi dạo bộ để cơ thể thư thả, bớt căng thẳng và hỗ trợ điều trị các vấn đề về rối loạn tiêu hóa khi mang thai.
Khi có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bà bầu sẽ hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tốt nhất để cung cấp nguồn dưỡng chất đầy đủ cho thai nhi.