Sợ hãi bỏ điều trị
Bà Nguyễn Thị K. (61 tuổi, trú tại Thái Bình) được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư đại tràng và chỉ định điều trị hoá chất trước vì u to, sau đó mới mổ.
Tuy nhiên, chỉ truyền 1 lần hoá chất đã buồn nôn, đau nhức, người mệt không đi được, bà K. xin về nhà và không điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra. Sợ tác dụng phụ của hoá chất nên con cái bà cũng nghĩ ung thư không sống được lâu.
Về nhà, cơn đau bụng hành hạ, tình trạng tắc ruột xảy ra và bà K. chỉ dùng thuốc giảm đau. Đến 4 tháng sau, con bà đưa vào viện thì bác sĩ đành lắc đầu do bệnh đã xâm lấn, di căn đa ổ gan không còn cơ hội điều trị. Trường hợp của bà K. rất đáng tiếc.
Cũng mắc ung thư ruột già, ông Nguyễn Văn B. (57 tuổi, Thanh Miện, Hải Dương) đã vượt qua 7 lần truyền hoá chất. Nghĩ đến cảnh lúc truyền hoá chất, ông B. cảm giác như chết đi sống lại. Người đau, tay chân thô ráp, người mệt không đi lại được, ăn gì nôn ra thứ đó. Miệng đắng chát và tiêu chảy.
Ông B. thốt lên: “Cảm giác như những làn đạn xuyên vào người. Tôi tự nhủ phải cố gắng chiến đấu đến cùng”. Trải qua các đợt hoá chất, tóc bắt đầu mọc trở lại, da hồng hơn, những lằn thâm tím ở da tay cũng mất hết, cảm giác miệng khô, đắng ngắt cũng không còn. Ông thấy mình may mắn khi vượt qua được những liệu trình hoá chất trong điều trị ung thư.
Theo các bác sĩ tại bệnh viện K trung ương, rất nhiều bệnh nhân không trụ nổi tác dụng phụ của các đợt truyền hoá chất nên họ bỏ dở quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân có đủ sức khoẻ để vượt qua tác dụng phụ của hoá chất, họ đã chiến thắng được bệnh ung thư một phần.
Cụ thể, trường hợp chị Lê Thị H. (39 tuổi, Hà Giang) là bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K2 (Hà Nội) từ 5 năm về trước. Chị H. bị ung thư xương. Trải qua các đợt truyền hoá chất, chị đã gắng gượng và dần chiến thắng bệnh.
Nghĩ lại những ngày ăn ôm chậu nôn, chị H. kể: “Giữa mùa hè truyền hoá chất mà người lúc nào cũng đắp chăn bông. Lúc ấy ăn gì chị cũng nôn nhưng chị cần ăn vì khoẻ mới có sức để chữa bệnh. Nôn ra chị lại ăn. Chị ăn cơm trộn với sữa chua thấy không nôn và ngày nào cũng trộn sữa chua vào cơm rồi ăn. Khi nào nhạt miệng, chị cố nuốt hoa quả hay đồ ăn gì. Mệt đến đâu chị cũng ăn. Mẹ chị đưa bát cơm ra chị đã nôn nhưng chị bảo mẹ cứ để đó con ăn hết. Cứ như thế, chị vượt qua tháng ngày trị ung thư”.
Hoá trị như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết ông cũng gặp nhiều bệnh nhân sợ hoá trị bỏ về không điều trị và chỉ 1, 2 tháng sau bệnh đã nặng không còn cơ hội điều trị. Có bệnh nhân họ tin tưởng bác sĩ, chấp nhận hoá chất và qua 1, 2 năm điều trị bệnh thoái lui.
Trong ung thư có nhiều phương pháp điều trị và việc điều trị luôn là kết hợp đa mô thức như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, nhắm đích và liệu pháp sinh học. Tuỳ từng bệnh nhân bác sĩ chỉ định khác nhau.
Với hoá chất, đây là phương pháp dùng thuốc đặc trị để tiêu diệt tế bào ung thư, lợi điểm của hóa trị là thuốc được đưa vào máu. Do đó, có thể đi khắp các cơ quan và tiêu diệt tế bào ung thư tại những vị trí khác nhau.
Hoá trị có thể sử dụng trước phẫu thuật để khối u nhỏ lại, giúp phẫu thuật dễ dàng hơn. Sau phẫu thuật, phương pháp hoá trị để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại. Với việc điều trị trước và sau đều nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.
Nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối, nếu hoá trị cũng có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân từ 3 tháng lên đến 2 năm, thậm chí là 5 năm, giúp bệnh nhân giảm đau, giảm mệt rất nhiều như trong ung thư vú, phổi, đại trực tràng …
Tuy nhiên, đặc tính của hóa trị là tấn công các tế bào tăng trưởng nhanh, trong đó chủ yếu là các tế bào ung thư và có thể ảnh hưởng tới tế bào lành gây ra các tác dụng phụ như buồn ói, ói, rụng tóc, xạm da, hạ tiểu cầu, dễ nhiễm trùng…
Các tác dụng phụ này theo bác sĩ Vũ đều có thể phòng ngừa và xử lý nên người bệnh không quá lo lắng. Mọi tác dụng phụ do hoá chất gây ra sẽ hết khi ngưng điều trị.
Trường hợp bệnh nhân tử vong do hoá trị không nhiều và trên nền bệnh nhân suy kiệt, bệnh giai đoạn cuối, Bác sĩ Vũ nhấn mạnh người bệnh đừng sợ hãi hoá trị kẻo bỏ mất cơ hội điều trị của mình.