Giáo sư Chu Xiaofan là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Thần kinh học và phòng chống đột quỵ tại Trung Quốc. Ông không những đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Thần kinh tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Tế Nam (Sơn Đông, Trung Quốc) mà còn là Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm sàng thứ hai trực thuộc Đại học này.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Đột quỵ Trung Quốc, Tổng thư ký của Hiệp hội Đột quỵ Quảng Đông, ông cho biết say nắng là 1 trong những mối lo sức khỏe hàng đầu trong mùa hè. Nhất là thời điểm thời tiết giao mùa nóng lạnh thất thường đi kèm nắng nóng gay gắt như hiện nay.
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (trên 40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Say nắng luôn đi kèm với say nóng và có thể gây đột quỵ, tử vong.
Ông cũng cảnh báo, say nắng có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong bất kỳ độ tuổi hay thể trạng nào, dù đang rất khỏe mạnh. Tuy nhiên, có 7 nhóm người dễ bị say nắng hơn và cũng dễ gặp hậu quả nghiêm trọng hơn khi bị say nắng, đó là:
1. Những người làm việc ngoài trời
Những người lao động ngoài trời là đối tượng dễ bị say nắng “tấn công”. Không chỉ vì họ tiếp xúc với nắng nóng nhiều, thân nhiệt tăng cao mà còn vì họ ít có thời gian tắm, uống nước hơn trong khi đổ mồ hôi nhiều nên cơ thể dễ thiếu nước. Nhất là nếu làm việc ngoài trời còn ở các nơi có độ cao lớn, công việc nặng nhọc.
2. Người cao tuổi
Người cao tuổi thường có hệ miễn dịch đã suy yếu, nhiều chức năng suy giảm. Từ đó khiến cơ thể chậm chạp hơn trong việc cảm nhận và phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ cũng như đối phó với những tổn thương do nhiệt độ cao. Vì vậy đây là nhóm người dễ bị say nắng cũng như gặp nguy hiểm tính mạng khi say nắng.
3. Vận động viên và người tập thể dục
Những người bỏ ra hàng giờ để luyện tập và thi đấu dưới cái nắng nóng bỏng của mùa hè sẽ khó có thể bù đắp lượng chất lỏng mất đi do hoạt động của cơ thể. Từ đó dễ bị say nắng hơn. Chưa kể, tập thể dục sẽ đẩy nhanh cơ thể sinh nhiệt, người vận động càng nhiều thì nhiệt sinh ra càng nhiều, dễ bị say nắng.
4. Trẻ em
Trẻ em thường hiếu động, thích chạy nhảy và tham gia các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là trong kỳ nghỉ hè. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, trẻ em lại dễ bị tăng thân nhiệt, diện tích bề mặt da của trẻ lớn hơn (so sánh trong mối tương quan với trọng lượng cơ thể) và sức đề kháng kém hơn nên dễ bị say nắng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn.
5. Người thiếu nước hoặc thiếu ngủ
Thiếu nước cũng làm tăng nguy cơ bị say nắng và gặp nguy hiểm nhiều hơn khi say nắng “tấn công”. Nước rất quan trọng đối với sức khỏe con người, cung cấp không đủ nước sẽ không có lợi cho quá trình bài tiết mồ hôi và tản nhiệt của cơ thể. Vì vậy, những người uống ít nước hoặc đang bị tiêu chảy dẫn đến mất nước sẽ dễ bị say nắng hơn.
Sự đổ mồ hôi đòi hỏi chức năng tim phổi tốt và lượng máu cung cấp cho tim phải đủ. Nếu bạn thường xuyên thức khuya hoặc thiếu ngủ thì chức năng tim phổi thường kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết mồ hôi. Lâu dài khi đi nắng cơ thể sẽ không thể đổ mồ hôi kịp dẫn đến say nắng.
6. Béo phì hoặc tuyến mồ hôi kém phát triển
Không phải ai cũng biết rằng những người thừa cân, béo phì có lớp mỡ dưới da dày và khả năng tản nhiệt kém hơn. Chưa kể, diện tích tiếp xúc với nhiệt độ cao của họ cũng nhiều hơn trong khi đề kháng thường kém hơn nên dễ bị say nắng.
Bên cạnh đó, những người bẩm sinh có tuyến mồ hôi kém phát triển hoặc sử dụng các loại thuốc ức chế bài tiết mồ hôi rất dễ bị say nắng do mất cân bằng chức năng tản nhiệt của cơ thể.
7. Mắc 1 số bệnh hoặc dùng 1 số loại thuốc
Bệnh tật khiến cơ thể yếu đi, đề kháng giảm nên sẽ dễ bị say nắng và gặp nguy hiểm hơn khi say nắng “tấn công”. Vì vậy, những người đang ốm, điều trị bệnh tật, đặc biệt là những người bị bệnh tim, cao huyết áp thường rất dễ bị sốc nhiệt vào mùa hè.
Những người mắc các bệnh về chuyển hóa, đặc biệt là cường giáp cũng dễ bị say nắng hơn. Do rối loạn tốc độ trao đổi chất dẫn đến thân nhiệt cao. Hoặc những người đang sử dụng 1 số loại thuốc chẳng hạn như thuốc trị trầm cảm, mất ngủ, khí huyết kém lưu thông cũng nằm trong nhóm gặp nguy hiểm vì say nắng tấn công vào mùa hè.
Để phòng chống say nắng, Giáo sư Chu nhắc nhở rằng không chỉ 7 nhóm người vừa kể trên mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần nắm rõ những việc nên và không nên làm vào mùa hè. Ví dụ như cần uống đủ nước, uống thường xuyên ngay cả khi không thấy khát, ngủ sớm và ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng để tăng cường hệ miễn dịch.
Không nên làm việc quá lâu, quá gắng sức liên tục dưới trời nắng hoặc môi trường có nhiệt độ cao, bí khí. Thay vào đó hãy tìm chỗ nghỉ ngơi ở nơi có bóng râm, thoáng mát khoảng 5 - 10 phút sau mỗi tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nhiệt độ cao. Nếu phải ra ngoài khi trời nắng nóng, hãy che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng, kính râm.
Ngoài ra, không nên lập tức ngồi trước điều hòa, quạt gió hoặc tắm rửa sau khi đi nắng về, nhất là nếu người nhiều mồ hôi. Như vậy có thể dẫn tới đột quỵ, thậm chí là đột tử.