Thành phần dinh dưỡng có trong thịt trâu
Trong thịt trâu có các khoáng chất như sắt, canxi, phốt pho, các vitamin như B1, B2, B6, B12, PP... Hàm lượng đạm trong thịt trâu cao gấp đôi so với thịt lợn, lượng sắt thấp hơn nhiều so với thịt bò.
Theo nghiên cứu của ngành Đông y thì thịt trâu có tính mát, vị ngọt, không độc, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, cường gân cốt. Với nhiều dinh dưỡng và công dụng như thế nhưng việc bà bầu có ăn được loại thịt này hay không vẫn còn là ‘dấu chấm hỏi’ của nhiều người.
Bà bầu có ăn thịt trâu được không?
Thịt trâu giàu dinh dưỡng với hàm lượng calo, protein cao. Nhưng theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ mang thai không nên ăn thịt trâu, kể cả thịt trâu gác bếp, đặc biệt là phụ nữ mang thai 3 tháng đầu. Ngoài thịt trâu thì thịt chó, thịt ba ba là những thức ăn có hàm lượng đạm cao, dễ gây đầy bụng, lâu tiêu, táo bón. Những tháng đầu thai kỳ, cơ thể mẹ bầu rất nhạy cảm, thai nhi mới hình thành còn yếu, hệ tiêu hóa của mẹ chưa thích nghi với các thực phẩm quá nhiều chất đạm. Không những vậy mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều chất đạm trong thời gian này còn có thể dẫn đến bệnh gout, một căn bệnh khá nguy hiểm với bà bầu.
Một số tác hại khi bà bầu ăn thịt trâu
Làm tăng tình trạng ốm nghén
Bởi vì trong thịt trâu giàu đạm, dễ gây tình trạng khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi, buồn nôn, làm tăng thêm cơn ốm nghén cho bà bầu mới mang thai. Nhất là trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.
Làm tăng huyết áp và mỡ máu
Với việc chứa hàm lượng chất đạm quá cao, bà bầu ăn nhiều thịt trâu có thể bị mỡ máu. Cholesterol quá cao gây ảnh hưởng đến huyết áp, tim mạch, một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với bà bầu trong thời gian mang thai.
Ăn thịt trâu có khả năng làm tăng tình trạng các bệnh mỡ máu, sỏi thận, tăng huyết áp, u xơ tử cung, viêm khớp… Vì vậy bà bầu không nên ăn loại thịt này. Bà bầu có thể thay thế thịt trâu bằng các loại thịt khác như thịt bò, thịt gà, thịt heo, cá… để mang đến nguồn dinh dưỡng tốt lại không gây ảnh hưởng đến mẹ và con nhé.