Giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra, với những bố mẹ có con nhỏ, nỗi lo con có thể mắc COVID và làm thế nào điều trị cho trẻ luôn canh cánh.
Là một bác sĩ nhi khoa tại Hà Nội, thời gian gần đây, bác sĩ Phí Văn Công thường xuyên nhận được những câu hỏi của các bậc phụ huynh liên quan tới COVID ở trẻ em. Bài viết dưới đây chia sẻ giải đáp của bác sĩ Công về những thắc mắc anh hay gặp nhất:
1. Con tôi test COVID dương tính rồi. Nhà tôi không ai bị cả, tại sao bé lại dính?
- Đây là chuyện bình thường, nhiều gia đình đã gặp tình huống này. Có thể trẻ đi ra ngoài bị lây, có thể bố mẹ mang virus về cho con nhưng người lớn tiêm vắc xin rồi nên không dính.
2. COVID ở trẻ em thường có nặng không?
- Đến giờ ghi nhận COVID-19 ở trẻ em nhẹ hơn nhiều so với ở người lớn và người già. Phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ là nhẹ và tự khỏi. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp nặng phải thở oxy, thở máy. Các virus gây bệnh khác như Tay chân miệng, RSV, Adenovirus… gây bệnh thì cũng có nhẹ, có nặng, có rất nặng, thậm chí tôi thấy rằng các virus trên gây bệnh ở trẻ em nhìn chung có phần còn nặng hơn Covid. Bố mẹ cần bình tĩnh, đừng lo lắng quá mà con không có chỗ dựa tinh thần.
3. Trẻ nhiễm COVID-19 thì điều trị gì?
- Phần lớn các trường hợp nhẹ và tự khỏi, chỉ sốt 1-2 ngày rồi thôi. Nếu trẻ không có triệu chứng gì thì không cần dùng thuốc. Nếu trẻ ho dùng thuốc ho, sốt dùng hạ sốt… có triệu chứng gì thì dùng thuốc đó.
4. Có được dùng thuốc kháng virus cho trẻ không?
- Không dùng Molnupiravir cho trẻ em
- Arbidol (thuốc của Nga toàn tiếng Nga) không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc này tác dụng không rõ ràng, còn gây nhiều tranh cãi. Vốn dĩ nó dùng ở Nga và Trung Quốc để điều trị các bệnh do những loại virus khác. Nhiều người nói rằng khi cho con uống thuốc này thì mấy ngày sau thấy trẻ đỡ hoặc hết sốt. Thực ra, có thể không uống thì trẻ cũng hết sốt. Phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 ở trẻ em là nhẹ, có thể tự đỡ.
5. Vậy trẻ con bị COVID-19 thì không chữa trị gì sao?
- Tất nhiên là có. Cần chăm trẻ cho tốt, theo dõi con sát sao. Nếu thấy trẻ ho có đờm thì cho uống loãng đờm, sốt thì uống hạ sốt, cố gắng cho ăn uống đầy đủ. Bố mẹ cần học cách đo SpO2 cho chuẩn, học cách theo dõi con đúng để sớm phát hiện dấu hiệu trở nặng. Có thể tư vấn bác sĩ nhi ngay khi cần.
6. Trẻ mắc COVID-19 biểu hiện thế nào là nặng?
- Đầu tiên cần đo SpO2 cho đúng. Kể cả nhân viên y tế, điều dưỡng, bác sĩ… điều trị người lớn mà đo SpO2 cho trẻ em, không biết cách đo vẫn lúng túng và đo sai bình thường. Trẻ càng nhỏ càng khó đo do trẻ khóc, vẫy tay vẫy chân… nên SpO2 bắt không chính xác. Phải tìm cách cho trẻ yên, tập trung vào thứ khác rồi kẹp SpO2. Sóng SpO2 phải đều thì con số hiển thị mới tin được.
Tốt nhất quay video đo SpO2 lại và gửi cho bác sĩ nhi xem, nhờ kiểm tra xem có chính xác không. Dễ nhất là đo SpO2 và đếm nhịp thở luôn lúc trẻ ngủ.
Nếu SpO2 < 96% là phải báo y tế địa phương ngay. Một số biểu hiện khác mẹ cũng cần lưu ý để báo cho cơ sở y tế:
- Trẻ quấy khóc nhiều, không dỗ được
- Trẻ bỏ bú, bỏ ăn
- Trẻ mệt, li bì
- Thở nhanh, thở rút lõm ngực (cảm quan của người mẹ là thấy con khó thở)
- Tím môi hơn mọi ngày…
Hoặc bất cứ dấu hiệu nào mẹ thấy lo lắng, cảm thấy con nặng trở nặng.
Người mẹ chăm con sát nhất, có cảm giác về con tốt nhất, có những cảm giác về con mà người khác không nhận thấy được. Nhiều trường hợp mẹ cảm thấy bất an, cảm giác con nặng… trong khi người thân khác thấy con chưa đến mức như thế nhưng đưa đi khám thì nặng thật.
7. Nếu mẹ bị Covid rồi, có cách nào để tránh lây cho con không?
- Có. Mẹ cách ly, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, để không gian thoáng… thì sẽ giảm nguy cơ lây cho con và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, chỉ là giảm nguy cơ, không chắc chắn tuyệt đối được.
8. Mẹ bị COVID có cho con bú được không?
- Để đảm bảo cách ly thì nên vắt sữa ra bình, vệ sinh bình sạch rồi cho trẻ bú bình như bình thường. Nên cho trẻ bú sữa mẹ.
9. Có thuốc nào dự phòng cho trẻ khỏi lây bị bệnh COVID-19 không?
- Không
10. Trẻ có uống được mấy thuốc tăng đề kháng?
- Bình thường uống được thì giờ cũng uống được. Nhưng uống không giúp gì cho việc trẻ có bị lây COVID-19 hay không.