Đậu phụ là thực phẩm giá thành rẻ và rất phổ biến trong đời sống hàng ngày trong mọi gia đình. Nguyên liệu chính làm nên đậu là hạt đậu nành, qua quá trình ngâm đậu, xay, nấu... khá cầu kỳ để làm nên món đậu phụ. Món ăn không chỉ mềm, bùi, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn chứa nhiều đạm thực vật nên được đánh giá tốt cho sức khỏe.
Ngày nay, đậu phụ được "biến tấu" thành nhiều hương vị khác nhau để phục vụ cho thị hiếu của người dùng. Trong đó, đậu phụ thối hay còn gọi đậu hũ thối, là một loại đậu phụ lên men khá nặng mùi. Đây là một món ăn nhẹ, bình dân, thường được bày bán ở các chợ đêm hoặc lề đường, xuất xứ từ Trung Quốc và gần đây khá hot tại Việt Nam.
Đậu phụ thối có mùi thum thủm, có người so sánh vị của nó với phô mai xanh trong khi người khác thì nghĩ nó giống thịt thối rữa. Với những người sành ăn thì đậu phụ thối càng nặng mùi thì càng ngon.
Đậu phụ thối tốt hay xấu cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đậu phụ thối có hàm lượng vitamin B2 và B12 cao. Hàm lượng protein có trong đậu phụ thối cũng rất cao, thậm chí tương đương với nhiều loại thịt. Thực phẩm này cũng chứa lượng canxi phong phú. Ngoài ra, các chất protein có trong đậu phụ thối sau khi lên men chuyển hóa thành các loại axit amin, có tác dụng gia tăng cảm giác thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Đặc biệt, đậu phụ thối còn có tác dụng chữa bệnh. Theo sách cổ Đông y, đậu phụ thối mang tính hàn nhưng ích khí, có tác dụng điều hòa tỳ vị, thanh nhiệt tán huyết, giảm chướng bụng đầy hơi, giúp thải độc cho đại tràng.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lên men, đậu phụ thối sẽ sản sinh ra các amin như methylamine, putrescine, serotonin. Các chất này giúp cho món ăn có mùi rất đặc biệt nhưng không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Thêm nữa, do tính chất lên men nặng nên quá trình chế biến đậu phụ thối dễ bị vi khuẩn xâm nhập, dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Ăn đậu phụ thối như thế nào để không gây hại cho sức khỏe?
Một bác sĩ dinh dưỡng người Đài Loan, Jiang Shoushan cho biết trong một chương trình về sức khỏe rằng ông không bao giờ ăn ba loại thực phẩm, bao gồm đậu phụ thối hấp, bột đậu phộng và các loại đậu để lâu.
Giải thích kỹ hơn về điều này, ông Jiang cho biết, nếu muốn ăn đậu phụ thối thì chỉ ăn đậu phụ thối chiên giòn chứ không hấp, kho... vì đậu phụ thối là thực phẩm lên men và phức tạp, dễ sinh ra aflatoxin, cực kỳ có hại cho gan. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để loại bỏ một phần của aflatoxin, cần phải sử dụng nhiệt độ cao hơn nhiệt độ sôi, thường hơn 200 độ C. Nếu chỉ ăn đậu phụ thối hấp chỉ ở nhiệt độ 100 độ sẽ rất nguy hiểm.
Jiang Shoushan nhấn mạnh, tuyệt đối không ăn đậu phụ thối hấp là vì đậu phụ thối là sản phẩm có quá trình lên men phức tạp, dễ chứa aflatoxin và ochretoxin, những chất này trước gây hại cho gan, sau gây hại cho thận. Chất này độc tính cực kỳ mạnh và có thể gây tử vong với liều lượng rất nhỏ, đồng thời có thể gây ung thư gan. Quá trình chiên có thể đạt tới 280 độ, có thể loại bỏ độc tố này.
Những đối tượng không nên ăn đậu phụ và đậu phụ thối
Bệnh nhân bị viêm dạ dày: Đậu phụ có chứa hàm lượng protein cao nếu như tiêu thụ nhiều sẽ kích thích tiết acid dạ dày gây ra tình trạng đầy hơi ở ruột ngoài ra còn ảnh hưởng cả đến quá trình hấp thu sắt.
Những người có chức năng thận kém: Như bạn đã biết đậu phụ là thực phẩm giàu protein và chất này đặc biệt lại gây hại cho thận vì vậy nếu như bạn đang có vấn đề về thận thì hãy hạn chế ăn thực phẩm này nhé
Những người bị bệnh gout: Người bị gout thường được khuyên không nên ăn quá nhiều đạm, mà đậu phụ lại giàu đạm vì vậy nếu như bạn ăn nhiều đậu hũ sẽ khiến hàm lượng axit uric trong máu tăng cao, tình trạng bệnh gout nặng hơn.
Người bị suy tuyến giáp: Trong đậu phụ có chứa hàm lượng isoflavone cao giúp chống lại ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú tuy nhiên nó lại là tác nhân cản trở sản xuất hoc-môn tuyến giáp, khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng nề. Vì vậy người bị suy tuyến giáp được khuyên là không nên ăn đậu hũ.
Người thiếu máu, người mắc bệnh tiêu hóa: Lượng protein cao trong đậu phụ sẽ gây cản trở quá trình hấp thu sắt vì vậy có thể khiến cho tình trạng thiếu máu của bạn nặng nề hơn. Do vậy nếu bạn bị thiếu máu thì không nên đưa đậu hũ vào thực đơn của mình.
Ngoài ra, cần lưu ý không mua đậu phụ thối từ những cơ sở kém uy tín. Nếu sử dụng đậu phụ thối giả thường xuyên, các cơ quan nội tạng trong cơ thể đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, gan là nơi nhận hậu quả nặng nề nhất.