TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ trên báo chí rằng, ăn uống tác động trực tiếp đến dạ dày, việc ăn đồ quá nóng (cay) hay đồ lạnh đều ảnh hưởng tiêu cực đến cơ năng co bóp của dạ dày nhiều hơn.
Với những người sức khỏe bình thường có thể sẽ không cảm nhận được, nhưng với người bệnh lý dạ dày như viêm loét, ung thư dạ dày sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Tác hại khi ăn đồ ăn nóng
Ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc đồ ăn nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột liên quan với nhau. Vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C, nếu vượt qua ngưỡng nhiệt độ này thì vách ngăn này sẽ bị tổn thương.
Khi nhiệt độ của thức ăn lên tới khoảng 70 đến 80 độ C, đặc biệt là khi chúng ta uống trà, nhiệt độ này có thể lên tới 90 độ C, gây tổn thương nặng nề cho đường ruột, thực quản, lâu dần có thể dẫn đến ung thư.
Nếu bạn thường xuyên uống canh nóng thì hệ thống tiêu hóa cũng như đường ruột sẽ ngày càng bị tổn thương nặng nề.
Tác hại khi ăn đồ ăn quá lạnh
Thông thường việc uống nước sẽ giúp chúng ta tiêu hóa dễ hơn nhưng uống nước đá thì có thể gây ra tình trạng táo bón. Nước lạnh vào cơ thể khiến cho thức ăn trong ruột co lại, khả năng co bóp bị ảnh hưởng dẫn đến việc tiêu hóa của dạ dày và ruột cũng trở nên không tốt gây ra táo bón.
Ngoài ra, bác sĩ Hưng cho rằng, đồ ăn, đồ uống lạnh có thể làm co mạch máu của bạn, từ đó hạn chế tiêu hóa, cản trở quá trình tự nhiên hấp thụ chất dinh dưỡng khi tiêu hóa. Theo thời gian, việc tiếp xúc liên tục với thực phẩm lạnh có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng của lá lách, gan hoặc tuyến tụy.
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn thức ăn có nhiệt độ phù hợp chính là không quá nóng hoặc không quá lạnh. Đồng thời, khi uống nước, chúng ta cũng cần phải chú ý tới nhiệt độ, độ ấm của nước trong khoảng từ 18 độ C đến 45 độ C là phù hợp.