Mùa hè, bát canh là món ăn không thể thiếu trong mỗi mâm cơm của người Việt. Để sử dụng, nhiều người thường chan canh vào cơm hoặc vừa ăn vừa uống, tuy nhiên đây lại là thói quen sai lầm, gây hại sức khỏe.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, cơm hay thức ăn vào cơ thể cần một lượng nước để hỗ trợ tiêu hóa, nhưng chỉ là phần rất nhỏ. Còn với thói quen ăn cơm chan canh thì lượng nước lại quá nhiều so với quy định.
Thức ăn khi vào miệng, thông qua việc nhai, nghiền, enzyme trong nước bọt sẽ tiết ra nhằm hỗ trợ hấp thụ và tiêu hóa thức ăn. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được chuyển dần xuống dạ dày, ruột từ từ.
Tuy nhiên, khi cơm chan canh, số thức ăn trên sẽ bị đẩy “gấp gáp” xuống dạ dày nhanh chóng. Do không được nghiền kĩ nên hệ tiêu hóa sẽ rất vất vả để xử lý được hết số thức ăn đó. “Lâu ngày, thói quen này sẽ làm các cơ quan tiêu hóa bị quá tải, gây ra những hậu quả xấu đối với sức khỏe”, ông Thịnh nói.
Một số chuyên gia về dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên từ bỏ việc ăn cơm chan canh hoặc uống nước trong bữa ăn. Bởi, thói quen này khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến đau dạ dày hoặc các vấn đề về tiêu hóa.
Ngoài ra, chan cơm cùng với canh sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, làm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng bị giảm, khiến chất dinh dưỡng có trong thức ăn được hấp thụ vào cơ thể bị ít đi.
Ở trẻ em, cơm chan nước canh khiến trẻ ăn nhanh, no ảo, dẫn tới thiếu chất. Về lâu dài, thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ.
Bởi vậy, để việc ăn uống được đảm bảo, đúng khoa học và trình tự, theo các chuyên gia, trong bữa cơm chỉ nên dùng nước canh trước và sau khi bắt đầu ăn cơm. Đặc biệt là người lớn, nên dành bát canh cho vị trí sau cùng để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, nếu cơm khó ăn hoặc khô cứng, bạn cũng có thể chan một chút nước thịt hoặc nước sốt thức ăn với lượng vừa phải để trợ giúp ăn dễ hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải nhai kĩ khi ăn để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới dạ dày.