Truy gen ung thư

Ám ảnh căn bệnh ung thư, chị Đỗ Thị Hải Yến (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoảng hốt khi đồng nghiệp trẻ đã mắc ung thư vú. Trước đó, mẹ người bạn này của chị Yến cũng bị ung thư vú nhưng chủ quan không đi khám và sàng lọc sớm.

Khi thấy cục nhỏ nhỏ, rắn như đanh ở vú mới đi khám thì đã bị ung thư vú giai đoạn 2. Chị Yến lên mạng tìm hiểu và thấy có thể tầm soát sớm ung thư vú bằng cách tìm gen gây ung thư. Chị Yến bàn với chồng rút tiền tiết kiệm về cả nhà cùng nhau đi sàng lọc với hy vọng tìm được nguy cơ ung thư sớm nhất.

Tuy nhiên, khi đến bệnh viện khám, chị Yến được bác sĩ giải thích ở độ tuổi 33 của chị, chỉ cần sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú và tuyến giáp. Còn lại các sàng lọc khác chưa cần thiết. Chồng chị Yến thường xuyên bia rượu được chỉ định sàng lọc các bệnh ung thư có yếu tố gia đình trước.

Có nên xét nghiệm gen tìm bệnh ung thư? - Ảnh minh họa: Internet

Khi nghe bác sĩ tư vấn, chị Yến mới thở phào. Với chị, căn bệnh ung thư thực sự kinh khủng, thi thoảng lại nghe có người quen, người thân của bạn bè bị ung thư là chị cũng thấp thỏm với bệnh.

TS Phùng Thị Huyền, Khoa Nội 6 Bệnh viện K Trung ương, cho biết chị cũng thường xuyên gặp những người đến xin sàng lọc ung thư với hi vọng chỉ cần 1, 2 xét nghiệm có thể biết tất tần tật các bệnh ung thư.

Nhưng thực tế, bác sĩ Huyền cho rằng tùy từng đối tượng bác sĩ đưa ra gói sàng lọc ung thư và không có một xét nghiệm nào có thể sàng lọc được hết các bệnh ung thư kể cả là xét nghiệm gen.

Một số bệnh ung thư có yếu tố di truyền có thể làm xét nghiệm này. Tuy nhiên, nó cũng chỉ là kết quả mang yếu tố tham khảo không phải là kết quả chẩn đoán chính ung thư.

Xét nghiệm gen biết mấy bệnh ung thư

Theo Thạc sĩ Bác sĩ Vũ Thị Thúy Chi, Trung tâm Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Melatec Hà Nội, xét nghiệm gen là quá trình phân tích các gen gây ra các bệnh về di truyền, các đột biến gen hay các nguy cơ của sự phát triển rối loạn gen trong di truyền... Sự thay đổi trong gen, nhiễm sắc thể và protein,... trong cơ thể có thể xác định được nhờ xét nghiệm gen.

Đa số thời gian xét nghiệm được dùng để nghiên cứu, phát hiện ra những bất thường hay những thay đổi của các rối loạn di truyền. Bên cạnh đó, với phương pháp xét nghiệm ADN, chúng ta còn có thể xác định được mối quan hệ huyết thống.

Một số gen di truyền có gây ung thư -  Ảnh minh họa: Internet

Phương pháp xét nghiệm gen được coi là một bước tiến lớn trong y học bởi chúng ta có thể tìm ra được những thay đổi bất thường trong gen nhờ việc tiến hành nghiên cứu sự phân chia và hoạt động của gen. Qua đó, chúng ta có thể chẩn đoán trước được những bệnh nguy hiểm có thể xảy ra hay sử dụng vào những mục đích khác.

Đối với bệnh ung thư, thạc sĩ Chi cũng cho rằng ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm gây tử vong hàng đầu hiện nay. Những biến đổi trong gen, nhiễm sắc thể hay protein đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đối với cơ thể của chúng ta.

Theo thạc sĩ Chi, trong cơ thể của chúng ta, các tế bào phát triển, phân chia và thay thế các tế bào cũ theo một quy luật nhất định. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà quy luật ấy không được thực hiện nữa, các tế bào phân chia bất thường, phát triển nhanh hơn hoặc chết đi nhiều hơn,... đó là các đột biến gen.

Chúng có thể gây ra các căn bệnh nguy hiểm đối với cơ thể. Các căn bệnh ung thư di truyền có thể tầm soát và phát hiện sớm qua phương pháp xét nghiệm gen như: Bệnh ung thư vú, bệnh ung thư trực tràng, bệnh ung thư buồng trứng, bệnh ung thư cổ tử cung, bệnh ung thư thận, bệnh ung thư tiền liệt tuyến, ung thư tụy.

Việc xét nghiệm gen để biết bản thân có mang gen đột biến di truyền ung thư không. Nếu xét nghiệm này dương tính thì bản thân người mang gen có khả năng bị ung thư cao hơn người không mang gen này, không phải là đang mắc ung thư....

Những người có thể làm xét nghiệm gen như người có tiền căn bản thân và gia đình về bệnh ung thư, gia đình về các bệnh di truyền không phải ung thư, đặc điểm bệnh ung thư và lâm sàng của bệnh ung thư đó.