Mỗi người dành 1/3 thời gian trong đời chỉ để ngủ, điều này phần nào chứng minh giấc ngủ có vai trò quan trọng như thế nào đối với cuộc sống và sức khỏe. Tuy nhiên, áp lực của cuộc sống hiện đại khiến nhiều người rất khó có một giấc ngủ ngon, họ thường xuyên bị mất ngủ, chất lượng giấc ngủ kém.

Ảnh minh họa

Đối với những người bị thiếu ngủ, thói quen ngủ không tốt sẽ không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần vào ngày hôm sau mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, trầm cảm. Chính vì vậy, không ít người lo lắng thói quen thường xuyên thay đổi tư thế ngủ thì chất lượng giấc ngủ của họ có kém hơn những người luôn giữ tư thế ổn định không?

Tiêu chuẩn cho một giấc ngủ ngon là gì?

 

Nhiều người cho rằng hễ cứ lúc nào buồn ngủ thì lên giường ngủ là sẽ có được giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không chính xác. Trên thực tế, có 3 tiêu chí để đánh giá giấc ngủ của bạn có đủ chất lượng hay không, bao gồm: thời gian chìm vào giấc ngủ trong vòng nửa tiếng, không bị tỉnh giấc giữa đêm trong khi ngủ, có thể ngủ 85% thời gian trên giường thay vì dùng điện thoại hay làm những việc khác.

Nếu giấc ngủ của bạn có thể đáp ứng các điều kiện này, điều đó có nghĩa là chất lượng giấc ngủ ở mức rất tốt, cơ thể bạn cũng rất khỏe mạnh, và nó cũng giúp kéo dài tuổi thọ.

Ngược lại, nếu chưa đạt đủ tiêu chuẩn thì bạn phải chú ý điều chỉnh lại giấc ngủ của mình.

Ảnh minh họa

Tại sao một số người liên tục trở mình khi ngủ?

Theo bác sĩ Nerina Ramlakhan, chuyên gia về giấc ngủ ở Anh, có 3 lý do chính khiến một người không ngừng trở mình khi ngủ.

Đầu tiên, tình trạng này có mối liên hệ trực tiếp tới giấc mơ của mỗi người. “Khi ngủ, bạn có thể mơ thấy mình đang đi, đang chạy nhảy hoặc làm bất cứ hoạt động nào khác. Vì vậy, cơ thể bạn vô thức cố gắng để thực hiện hành động đó”, bác sĩ Ramlakhan giải thích.

Yếu tố thứ hai tác động tới sự bất an của bạn khi ngủ là tình trạng thiếu nước. Bởi vậy, trước khi đi ngủ, bạn nên uống một cốc nước nhỏ. Không uống đủ nước cũng có thể gây co rút chân tay hoặc đau cơ đột ngột.

Ngoài ra, cơn giật mình đầu giấc ngủ cũng là một lý do khiến bạn trở mình. Hiện tượng này xảy ra khi bạn đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa thức và ngủ. Bạn có thể cảm thấy mình đang rơi xuống một khoảng không vô hình và giật mình tỉnh giấc.

Bạn gặp phải hiện tượng trên do căng thẳng, sử dụng đồ uống có caffeine, hút thuốc, tập thể dục cường độ mạnh sát giờ đi ngủ, thiếu ngủ.

Trong khi đó, tình trạng thường xuyên cựa mình, ngủ không yên ở trẻ nhở thường xuất phát từ sự khác biệt trong chu kỳ ngủ giữa người lớn và trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Giấc ngủ của chúng ta gồm nhiều chu kỳ ngủ. Mỗi chu kỳ ngủ có hai giai đoạn, bắt đầu với giai đoạn ngủ sâu và kết thúc bởi giai đoạn ngủ động. Thời gian ngủ sâu của người lớn chiếm 75%, còn trẻ con thời gian ngủ động lại chiếm 50%. Chu kỳ ngủ của người lớn khoảng 90 phút, trẻ em thì 20-50 phút.

Do đó ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trong 3 tháng đầu của cuộc đời có thể có 10-15 phút ngủ sâu, 10-15 phút ngủ động và lặp lại như vậy trong suốt mười mấy tiếng đồng hồ. Vì vậy, phụ huynh có cảm giác con mình ngủ rất ít mà lại dễ thức giấc, nhưng đây là một biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Sau 6 tháng tuổi, giấc ngủ của trẻ sẽ dần thay đổi, thời gian ngủ sâu sẽ kéo dài ra, trong khi thời gian ngủ động dần rút ngắn lại, trẻ cũng ít cựa mình, thức giấc khi ngủ hơn.

Ảnh minh họa

Làm cách nào để ngừng trở mình khi ngủ?

Nếu liên tục gặp tình trạng trằn trọc, trở mình khi ngủ, đôi khi giật mình tỉnh giấc, có một số cách để giúp bạn lấy lại giấc ngủ yên bình. “Thư giãn hoàn toàn trước khi đi ngủ là điều rất quan trọng. Bạn có thể duỗi cơ nhẹ nhàng, tập một bài yoga đơn giản trước khi ngủ”, bác sĩ Ramlakhan khuyên.

Theo chuyên gia này, đôi khi chỉ cần tắm trong nước pha muối khoáng cũng có thể giúp giảm căng thẳng, áp lực.

Ngoài ra, bạn nhớ bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể (khoảng 1,5 lít nước mỗi ngày). Một chút muối pha vào nước sẽ có ích, đặc biệt là ngày nóng và khi bạn tập luyện thể thao, ra nhiều mồ hôi.

Nếu các giải pháp trên không hiệu quả, bạn nên gặp bác sĩ để tư vấn xem có cần sử dụng thuốc, nhất là với những người thường xuyên gặp hiện tượng giật mình đầu giấc ngủ.