Gầy cũng bị mỡ máu

Anh Bùi Văn Sang (35 tuổi, trú tại Hà Nội) cao 1,68 cm, nặng 53 kg. Trong đợt kiểm tra sức khoẻ vừa qua, anh giật mình khi chỉ số mỡ máu của anh cao hơn mức bình thường. Cholesterol toàn phần là 6,25 mmol/L. Trong đó, cholesterol xấu là 4,3 mmol/L. Chỉ số triglyceride cũng tăng lên 3,4 mmol/L. Đây là chỉ số cao và anh Sang được bác sĩ tư vấn sử dụng thêm thuốc trị rối loạn mỡ máu.

Từ trước tới nay anh cứ nghĩ mỡ máu là ở người béo, người nặng cân. Anh lúc nào cũng gầy tong teo nên không nghĩ rằng mình cũng bị mỡ máu gõ cửa.

Mỡ trong máu gây xơ vỡ thành mạch - Ảnh minh họa: Internet

Không riêng gì anh Sang, tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân khi lấy kết quả xét nghiệm máu, họ đều nhận được kết quả mỡ máu cao. Không ít người cho rằng không uống bia rượu, ăn nhiều rau, ít ăn thịt nhưng mỡ máu vẫn cao chót vót.

Cụ thể, trường hợp của chị Hoàng Thị Yến (38 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng bị mỡ máu cao khi cholesterol toàn phần lên gần 6 mmol/L. Còn trigliceride cũng mấp mé mức 3mmol/L. Đây là chỉ số cảnh báo rối loạn mỡ máu.

Chị Yến làm văn phòng, công việc ngồi nhiều ít vận động, đi lại. Chị cũng lười tập thể dục. Chị Yến cũng nghĩ chỉ người béo mới mỡ máu, còn chị nặng 48 kg, cao 1,57 mét.

Tại khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, nhiều trường hợp bệnh nhân bị mỡ máu cao dẫn tới các biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, viêm tuỵ cấp. Tất cả các bệnh lý này đều thuộc trường hợp cấp cứu “nóng” vì nguy cơ tử vong của bệnh nhân lúc nào cũng cao từ 20 – 30%. Các bác sĩ thường nói bệnh gây tử vong trong tích tắc. 

Theo thống kê của các phòng khám trong Bệnh viện Đại học Y Dược TYP.HCM, có khoảng 40% người bệnh tới khám sức khoẻ định kỳ có chỉ số mỡ máu cao. Trong đó, có nhiều người chỉ số mỡ máu quá cao phải có sự can thiệp điều trị của thuốc. 

Hãy thay đổi lối sống

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh mỡ máu ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Đặc biệt, bệnh có xu hướng trẻ hoá. Bác sĩ Hậu cho biết nhiều trường hợp bố mẹ đi khám bệnh xét nghiệm mỡ máu và những đứa trẻ khoảng 10 – 11 tuổi đi cùng làm xét nghiệm cũng có chỉ số mỡ máu rất cao. 

Nguyên nhân mỡ máu theo bác sĩ Hậu chủ yếu đến từ lối sống, một số ít do di truyền. Lối sống của người dân hiện nay ít vận động, ăn nhiều thức ăn chiên rán, giàu chất béo đặc biệt các chất béo từ động vật làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Nhiều bệnh nhân khi xét nghiệm bác sĩ lấy máu ra thì máu trắng như sữa. Bác sĩ gọi là hiện tượng máu như sữa.

Hình ảnh mỡ đọng trong những mẫu máu xét nghiệm - Ảnh minh họa: Internet

Mỡ máu tăng cao có hai loại: Tăng cholesterol hoặc tăng triglyceride. Cả hai loại này đều gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ.

Trường hợp tăng cholesterol trong máu thường gây ra bệnh lý mạch vành. Mỡ trong máu làm xơ vữa các thành mạch. Mảng xơ vữa theo máu đi tới các cơ quan và gây bít tắc mạch. Ví dụ: Mảnh xơ vữa này gây tắc ở não bệnh nhân bị nhồi máu não, tắc ở tim gây nhồi máu cơ tim, tắc ở phổi gây nhồi máu phổi.

Nếu bệnh nhân bị triglyceride tăng cao thì nguy cơ bị viêm tuỵ cấp rất lớn. Đây là bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh nhanh chóng suy đa tạng và tử vong nếu không phát hiện cấp cứu kịp thời.

Theo bác sĩ Hậu, nhiều người nghĩ mỡ máu vô hại không ảnh hưởng gì nhưng thực chất nếu không điều trị thay đổi tình trạng mỡ máu thì dễ gây nên các biến chứng trên.

Khi người bệnh làm xét nghiệm có dấu hiệu mỡ máu ở nồng độ thấp cần thay đổi lối sinh hoạt. Cụ thể như hạn chế ăn thực phẩm giàu chất béo, tạng động vật. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc. 

Tăng cường tập thể dục hàng ngày để phòng nhiều bệnh tật. Theo bác sĩ Hậu, mỗi ngày cần luyện tập khoảng 30 phút nhằm đề phòng tăng cân, béo phì cũng là cách hạn chế mỡ máu.

Mọi người dù không có dấu hiệu gì cũng nên thực hiện khám sức khoẻ định kỳ để điều trị nếu có mỡ máu. Bình thường, mỡ máu không có dấu hiệu nào cảnh báo. Chỉ đến khi người bệnh bị các biến chứng khác mới phát hiện ra máu nhiễm mỡ rất cao.