Trần Linh Giang (linhgiangt***@gmail.com)
 

 

Chào bác sĩ!

Tôi 28 tuổi, vừa lập gia đình và đang lên kế hoạch sinh con. Mẹ tôi trước đây phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối và đã qua đời. Tôi có đọc một số thông tin nói rằng ung thư vú có di truyền. Tôi không biết điều đó có đúng hay không? Tôi cần phải làm gì để phòng bệnh cũng như phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi.

Tôi xin cảm ơn!

TS.BS Vũ Hữu Khiêm
Ung thư vú có di truyền không?

Các nhà nghiên cứu phát hiện, có khoảng trên 20 loại ung thư có tính di truyền trong gia đình, trong đó có ung thư vú.

Ung thư vú là bệnh có khuynh hướng di truyền rõ ràng. Các bà mẹ bị ung thư vú thì con gái cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2-3 lần so với trường hợp khác. Thậm chí, rủi ro khởi phát ung thư vú ở con gái còn tăng cao hơn nhiều trong trường hợp mẹ mắc bệnh trước tuổi mãn kinh. Ở trường hợp của bạn là rất có thể sẽ di truyền bệnh từ mẹ. Vì vậy, để biết chính xác mình có di truyền ung thư vú từ mẹ hay không, bạn cần thăm khám kỹ, thực hiện các xét nghiệm gen di truyền để sớm loại bỏ nguy cơ cũng như phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.

Ung thư vú có thể di truyền trong gia đình. Ảnh minh họa.

Nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vú di truyền là do có phát hiện đột biến 2 gen BRCA1 và BRCA2. Bình thường, 2 gen này có chức năng ức chế khối u nhưng khi đột biến chúng không thể thực hiện chức năng hay thực hiện không chính xác, do đó làm tăng sinh hình thành khối u gây ung thư.

Đột biến gen di truyền của ung thư vú là do di truyền từ bố hoặc mẹ (gọi là đột biến dòng mầm) xảy ra ở tế bào tinh trùng hoặc trứng, truyền trực tiếp từ bố hoặc mẹ sang con trong quá trình tạo thành hợp tử (thụ thai). Sau đó, đột biến được sao chép vào mọi tế bào của cơ thể và tỉ lệ di truyền cho con là 50%.

Các đột biến gen có thể di truyền theo một số cách khác nhau. Đối với di truyền gen trội, có thể chỉ cần nhận một bản sao gen đột biến là đã tăng nguy cơ phát triển ung thư. Còn đối với đột biến gen lặn, cần có cả hai bản sao đột biến mới gây bệnh.

Vì vậy, nếu trong gia đình có một người ung thư vú thì nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác tăng gấp 3 lần. Nếu hai người mắc ung thư vú thì tỷ lệ tăng gấp 7 lần. Trong gia đình có nhiều người ung thư vú, nhất là ở độ tuổi trẻ (dưới 50 tuổi) rất có thể họ mang các đột biến gen ung thư vú di truyền, phổ biến nhất là đột biến BRCA1, BRCA2.

Mang thai, sinh con và cho con bú cũng là cách giúp các chị em hạn chế mắc ung thư vú. Ảnh minh họa.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú

Ngoài yếu tố di truyền do đột biến gen thì không sinh con, không cho con bú sữa mẹ, dùng thuốc điều trị nội tiết sau mãn kinh liên tục trên 5 năm, dùng thuốc ngừa thai trên 10 năm, mãn kinh trễ sau 55 tuổi hay chế độ ăn uống nhiều chất kích thích, dư cân hoặc béo phì… cũng là nguyên nhân khiến các chị em mắc ung thư vú.

Hãy ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên để ngừa ung thư vú

Làm gì để phòng tránh ung thư vú?

- Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.

- Tập thể dục thường xuyên bằng các bài tập như đi bộ, chạy, yoga thiền…

-  Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân nếu cơ thể bị thừa cân hoặc béo phì.

- Xây dựng chế độ ăn khoa học, bổ sung nhiều vitamin và rau xanh, trái cây trong thực đơn hằng ngày.

- Phòng ngừa bệnh bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ, thăm khám vú và học cách tự kiểm tra vú theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Với trường hợp trong gia đình có người mắc ung thư vú thì cần xét nghiệm sàng lọc đột biến gen ung thư để biết và phòng ngừa bệnh từ sớm.