Tương miso, hay miso, là một loại gia vị dạng bột nhão được làm từ đậu nành lên men. Có nhiều loại tương miso khác nhau, nhưng tất cả chúng đều được làm bằng đậu nành và nấm koji, một loại nấm Nhật Bản được phát triển bằng cách sử dụng đậu nành. Koji là tác nhân lên men. Ngoài hai thành phần đó, hầu hết các loại tương miso cũng được làm từ loại gạo hoặc ngũ cốc.

Tương miso có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được các thầy tu Phật giáo mang đến Nhật Bản khoảng 1.300 năm trước, họ sử dụng nó để bảo quản thực phẩm trong những tháng mùa hè. Qua nhiều năm, miso đã trở thành một gia vị chính trong chế độ ăn uống của người Nhật.

Ngày nay, tương miso được sử dụng để ngâm rau, cá và thịt. Nó cũng là thành phần chính trong súp miso. Tương miso tương đối giàu protein (so với các loại gia vị khác) nhưng cũng có nhiều natri.

Thành phần dinh dưỡng trong 1 muỗng canh miso (17g)

Calori: 33.7

Chất béo: 1g

Natri: 634mg

Carbohydrates: 4.3g

Chất xơ: 0.9g

Đường: 1.1g

Protein: 2.2g

Carbohydrate

Một muỗng canh tương miso cung cấp 33,7 calo và 4,3g carbohydrate. Có một lượng nhỏ đường (1,1g) và chất xơ (0,9g) trong tương miso. Khi nấu ăn bạn không thường sử dụng nhiều tương miso vì vậy tinh bột, chất xơ hoặc đường không tạo ra sự khác biệt đáng kể trong chế độ ăn uống của bạn. Hầu hết các công thức nấu ăn chỉ cần một đến hai thìa hỗn hợp tương miso.

Khẩu phần ăn sử dụng ít tương miso, và đây cũng là thực phẩm chứa ít carbohydrate, nên khả năng tác động đến lượng đường trong máu là tối thiểu. Nói chung, các loại thực phẩm từ đậu nành như tương miso được cho là có phản ứng đường huyết thấp.

Chất béo

Lượng chất béo trong tương miso rất thấp, chỉ có khoảng 1g cho một muỗng tương miso 17g. Trong đó, khoảng 0,2 gam là chất béo bão hòa, trong khi 0,2 gam chất béo không bão hòa đơn và khoảng 0,5 gam chất béo không bão hòa đa theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Protein

Mỗi muỗng tương miso 17g chứa 2.2g protein.

Vitamins và khoáng chất

Một số nguồn nghiên cứu báo cáo rằng tương miso có nhiều vitamin B. Nhưng với lượng miso nhỏ sử dụng trong một khẩu phần ăn, nó chỉ cung cấp 0.034mg vitamin B6 và 0.014 microgram vitamin B12. Lượng vitamin K trong một khẩu phần dùng tương miso tương ứng cũng chỉ dưới 5 microgram.

Vi chất dinh dưỡng quan trọng duy nhất trong tương miso là natri. Một một muỗng canh 17g cung cấp 643mg natri. Hướng dẫn của chính phủ đề nghị rằng chúng ta tiêu thụ không quá 2.300mg natri mỗi ngày.

Lợi ích sức khỏe

Thực phẩm như tương miso được tiêu thụ với số lượng rất nhỏ, do đó không phải lúc nào nó cũng mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể. Nhưng có một số cách để thêm tương miso vào chế độ ăn uống của để có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định cho một số người.

Kiểm soát đường huyết tốt hơn

Có một số bằng chứng cho thấy việc thêm các loại thực phẩm từ đậu nành như miso, natto và đậu tương xay khi nấu ăn có thể cải thiện phản ứng đường huyết ở một số người. Trên thực tế, trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thêm miso vào gạo trắng làm giảm chỉ số đường huyết từ 20% đến 40%.

Các tác giả nghiên cứu cho biết rằng thực phẩm từ đậu nành có thể là một phần thích hợp của chế độ ăn kiêng nhằm cải thiện việc kiểm soát lượng đường huyết và insulin. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ mới tiến hành ở phạm vi nhỏ, do đó cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để đưa ra kết luận chính xác.

Hạ huyết áp và nhịp tim

Một nghiên cứu năm 2020 công bố trên tạp chí Sức khỏe Môi trường và Y học Phòng ngừa (Environmental Health and Preventative Medicine) đã khám phá mối quan hệ giữa tác động sức khỏe của muối trong súp miso với muối có trong các thực phẩm khác.

Việc ăn nhiều muối được biết đến là có thể làm tăng huyết áp. Trong báo cáo, các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng việc ăn súp miso không làm tăng huyết áp và nhịp tim so với lượng muối tương đương. Họ cho rằng hiệu ứng này một phần là do hoạt động của dây thần kinh giao cảm giảm. Các thành phần trong miso làm giảm tác động của hoạt động thần kinh giao cảm, dẫn đến hạ huyết áp và nhịp tim.

Có thể giảm viêm và ngăn ngừa bệnh tật

Tương miso và các thực phẩm từ đậu nành trong chế độ ăn uống của bạn có thể mang lại lợi ích vì chúng chứa isoflavone.

Isoflavone đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa, chống ung thư, kháng khuẩn và chống viêm. Bằng chứng đã cho thấy rằng chúng có thể có khả năng ngăn ngừa các bệnh mãn tính trong đó chứng viêm đóng một vai trò quan trọng.

Có thể giúp bảo vệ sức khỏe đường ruột

Melanoidin cũng được tạo ra trong quá trình lên men miso. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng melanoidin có thể có đặc tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào chống lại quá trình oxy hóa do các gốc tự do gây ra.

Melanoidin cũng có thể bảo vệ chống lại căng thẳng trong kết trang và hoạt động như một chất xơ bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn bifidobacteria đường ruột.