Hễ đi dự tiệc cưới mà gặp hành lang nhà hàng hẹp, sảnh cưới ở trên tầng lầu cao, người nhà tôi hay phàn nàn: “Nói dại, chẳng may có cháy thì cả ngàn con người như này sao thoát kịp!”. Lúc bình thường thì thấy lo lắng đó hơi quá, nhưng khi nghe những vụ cháy lớn xảy ra tôi lại thấy nỗi lo này là… thật gần.

Thì đây, hai vụ cháy hết sức thương tâm xảy ra trong hai ngày 18 và 20-12 đã có đến 15 người chết với cùng lý do: ngọn lửa bùng lên chặn hết lối ra vào duy nhất khiến nhiều người phía trong không thể thoát ra ngoài.

Chi tiết hơn, trong vụ cháy thứ nhất ở một cơ sở kinh doanh karaoke (căn nhà cao 5 tầng) tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, lúc đó, cơ sở đang thời điểm đông khách và có khoảng 16 người bên trong.

Hiện trường vụ cháy quán cà phê khiến 11 người tử vong tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Theo lời khai ban đầu, do mâu thuẫn với nhóm khách trong cơ sở, kẻ tàn ác đã hất xăng vào quán, bật lửa đốt. Ngọn lửa bùng lên dữ dội, bắt cháy vào nhiều chiếc xe máy và vật dụng bên trong tầng 1, chặn cửa ra vào làm những người bên trong không thể ra ngoài bằng cửa chính và phải chạy lên các tầng trên…

Tại hiện trường, khói, khí độc bốc lên rất nhiều và có nhiều cấu kiện bị thiêu rụi. Điều này làm lực lượng phòng cháy chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận các điểm cháy, thực hiện chữa cháy và chống cháy lan. Hậu quả đau lòng là 11 người thiệt mạng, 4 người bị thương.

Vụ cháy thứ hai xảy ra ở căn nhà 4 tầng diện tích 280m2, nơi có đến 18 phòng trọ (mỗi phòng khoảng 10m2) để cho 23 người thuê ở tại phường 12, quận Tân Bình,TP.HCM. Riêng sân thượng có ngăn 2 phòng vách thạch cao mái tôn và khu vực phía trước tầng trệt có ngăn bằng vách thạch cao để kinh doanh ăn uống.

Khi đó, lửa bùng lên từ chiếc xe điện tại tầng trệt ngôi nhà đang có hơn chục xe máy chắn đường ra ở cửa chính. Sau đó, lửa nhanh chóng lan sang làm 8 xe máy bị cháy rụi. Khói đen tỏa ra mù mịt ở cầu thang bộ ngăn nhiều người ở các lầu trên thoát xuống. Nhiều người đã nhanh trí trèo qua lan can nhà hàng xóm và tiệm bán đồ điện tử bên cạnh để thoát nạn.

Có may mắn hơn là cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) bảo vệ được phần lớn diện tích còn lại của căn nhà không bị cháy, ngăn chặn không để cháy lan ra khu vực xung quanh và các nhà dân lân cận. Tuy nhiên, vẫn vô cùng xót xa khi có hai người tử vong, 13 người bị thương.

Thông tư 06/2022 (sửa đổi năm 2023) của Bộ Xây dựng đề ra nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất chặt chẽ về an toàn cháy cho nhà và công trình. Đơn cử về lối thoát nạn, các tầng nhà của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke phải có không ít hơn hai lối ra thoát nạn. Từ mỗi tầng được phép có một lối ra thoát nạn khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện PCCC như diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 300 m2 (đối với nhà có chiều cao không quá 15 m). Hoặc diện tích mỗi tầng không được lớn hơn 200 m2 (đối với nhà có chiều cao phòng cháy, chữa cháy từ trên 15m đến 21m).

Rồi thì toàn bộ nhà được bảo vệ bằng hệ thống chữa cháy tự động. Cùng với đó, phải có thêm ít nhất một lối ra khẩn cấp từ các tầng nhà dẫn ra ban công thoáng, hoặc dẫn lên vùng an toàn trên sân thượng thoáng, hoặc dẫn ra cầu thang bộ theo quy định.

Nghị định 136/2020 của Chính phủ cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cao từ 3 tầng trở lên, nhà trọ cao từ 3 tầng trở lên phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC. Chẳng hạn, phải có hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt đạt chuẩn kỹ thuật về PCCC; có hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện cứu người… Người đứng đầu cơ sở phải kiểm tra an toàn về PCCC thường xuyên, định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra đến cơ quan quản lý trực tiếp.

Thử hỏi đối với hai cơ sở xảy ra vụ cháy kinh hoàng nêu trên và rất nhiều cơ sở tương tự trên cả nước đang tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ, các điều kiện an toàn về PCCC có đúng theo luật định? Việc kiểm tra an toàn về PCCC của người đứng đầu cơ sở và của cơ quan công an có thẩm quyền có làm đầy đủ, đúng đắn để ngăn chặn được các yếu tố nguy hiểm có hại đối với con người?...

Qua kiểm tra hiện trường vụ cháy xảy ra tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Bộ xây dựng vừa gửi văn bản yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, PCCC. Trong đó có việc tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, công trình nhà ở thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ, đặc biệt lưu ý quản lý việc chuyển đổi công năng sử dụng của công trình hoặc một phần công trình.

Trở lại vụ cháy ở phường 12, quận Tân Bình, một nạn nhân thoát cửa tử trong vụ này bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đó xung quanh tôi toàn khói đen, không thể xác định được phương hướng. Chậm vài giây chắc tôi đã mắc kẹt trong nhà cháy…”.

Chia sẻ này của anh và nhất là hai vụ cháy kinh hoàng nói trên chính là lời nhắc nhở đắt giá: Trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực, chủ động phòng ngừa thật nghiêm túc thì mới mong hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.