Gan được ví như nhà máy thải độc trong cơ thể. Thời điểm cuối năm là thời điểm gan luôn phải làm việc quá tải với những bữa tiệc rượu linh đình. Làm thế nào để giữ được một lá gan khỏe mạnh? Cùng tìm hiểu những vị thuốc giúp gan thải độc hiệu quả dưới đây.

Cà gai leo

Cà gai leo hiện nay là vị thuốc đầu tay giúp điều trị các bệnh về gan (tác dụng chính là hạ men gan, giải độc gan) với nhiều công trình nghiên cứu đã được ghi nhận.

Cà gai leo có tên gọi khác là cà vạnh, cà quýnh, cà gai dây, cà lù. Cây mọc hoang nhiều nơi ở nước ta như ở các tỉnh Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa. Bộ phận thường dùng là cành và rễ.

Cà gai leo là vị thuốc quý giúp gan thải độc - Ảnh minh họa: Internet

Theo y học cổ truyền, cà gai leo có vị đắng, tính ấm, hơi có độc, có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, giảm đau. Có thể sử dụng cà gai leo để giải rượu và trị các bệnh về gan. 

- Giải rượu: Lấy 100g cà gai leo khô sắc với 400ml nước. Sắc đến khi còn 150ml thì uống trong ngày và nên uống thuốc ấm. Hoặc có thể lấy 50g cà gai leo khô hãm với nước sôi cho người say rượu uống thay nước, dùng đến khi tỉnh rượu.

- Đối với các bệnh về gan như viêm gan B, xơ gan: Lấy 35g rễ hoặc cành cây cà gai leo, sắc với 1000ml nước đến khi còn 300ml thì chia uống 3 lần trong ngày.

Nhân trần

Nhân trần có mặt rất nhiều trong các bài thuốc cổ phương từ xa xưa để điều trị các bệnh về gan. Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, lợi đởm thoái hoàng.

Theo y học hiện đại, nhân trần có tác dụng bảo vệ tế bào gan và phòng chống bệnh gan nhiễm mỡ, làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài tiết dịch mật.

Nhân trần đã được sử dụng từ lâu trong các bài thuốc trị bệnh gan - Ảnh minh họa: Internet

Đối với những người uống nhiều rượu và có những biểu hiện như tiểu vàng ít, đại tiện lỏng, lưỡi bẩn, rêu lưỡi vàng, thậm chí vàng da, vàng mắt đều có thể dùng nhân trần sắc uống.

Cách dùng: Lấy 30g nhân trần thái vụn, hãm với nước sôi rồi uống thay nước hàng ngày.  

Diệp hạ châu

Đã từ rất lâu, diệp hạ châu hay còn có tên gọi khác là chó đẻ răng cưa đã không còn xa lạ với nhiều người. 

Trong y học cổ truyền, Diệp hạ châu là vị thuốc có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng, thanh can minh mục.

Những nghiên cứu y học hiện đại đã tìm thấy diệp hạ châu chứa một số enzym như hypophyllanthin hay phyllannthin. Các enzym này có khả năng thải độc và phục hồi chức năng gan. Ngoài ra, diệp hạ châu cũng làm tăng lượng Glutathione. Từ đó làm tăng tác dụng phục hồi chức năng gan.

Diệp hạ châu hay cây chó đẻ răng cưa có tác dụng phục hồi chức năng gan - Ảnh minh họa: Internet

 

Đối với người uống nhiều rượu, lại hay ăn đồ dầu mỡ, có thể dùng khoảng 20g – 60g diệp hạ châu tươi hoặc 15g -30g diệp hạ châu khô sắc uống hàng ngày.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để bảo vệ lá gan của chính mình là nên hạn chế uống rượu bia, không nên uống quá nhiều cùng một lúc. Đồng thời, cũng nên chọn những thức uống có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội