Viêm dạ dày có thể xảy ra bất ngờ (viêm dạ dày cấp tính) hoặc từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mạn tính). Ảnh: Shutterstock.

TS.BS Bùi Văn Tân, Chủ nhiệm khoa Khám bệnh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết viêm dạ dày là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm vấn đề với điểm chung là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày. Bệnh có thể xảy ra bất ngờ (viêm dạ dày cấp tính) hoặc tiến triển từ từ theo thời gian (viêm dạ dày mạn tính).

Theo bác sĩ Tân, viêm dạ dày có thể dẫn đến viêm loét hoặc tăng nguy cơ ung thư dạ dày trong một số trường hợp. Tuy nhiên, đa phần bệnh không nghiêm trọng và có thể cải thiện nhanh chóng nếu được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày

Viêm dạ dày thường phát triển khi lớp bảo vệ dạ dày bị suy yếu hoặc tổn thương. Đây là lớp dịch nhầy bảo vệ thành dạ dày khỏi các axit tiêu hóa. Khi hàng rào này suy yếu, niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương, dẫn đến viêm.

Ngoài ra, vi khuẩn Helicobacter pylori cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày mạn tính. "Khoảng một nửa dân số thế giới được cho là nhiễm vi khuẩn này, thường lây từ người sang người. Tuy nhiên, đa số không gặp biến chứng. Ở một số trường hợp, vi khuẩn Helicobacter pylori phá vỡ lớp bảo vệ dạ dày, gây tổn thương niêm mạc", bác sĩ Tân chia sẻ.

Chẩn đoán viêm dạ dày

Để chẩn đoán, bác sĩ thường dựa vào tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Một số xét nghiệm cần thiết có thể bao gồm:

  • Kiểm tra hơi thở: Xác định sự hiện diện của vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Nội soi tiêu hóa trên: Giúp phát hiện bất thường trong đường tiêu hóa mà X-quang khó nhận biết.

Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và thuốc phù hợp với từng tình trạng bệnh nhân.