Thường xuyên xoa bụng

Xoa bụng vốn được xem là một hành động bày tỏ tình cảm và tạo sự liên kết giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn không nên xoa bụng quá nhiều và mạnh vì hành động này dễ dẫn đến việc bé bị kích thích chuyển động nhiều hơn, dây rốn vì thế cũng sẽ di chuyển và quấn quanh cổ theo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên mẹ bầu không nên xoa bụng thường xuyên sẽ khiến mẹ bị co bóp tử cung, động thai hoặc sảy thai. Nếu muốn massage hoặc thoa kem rạn da, các mẹ chỉ nên dùng đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng không quá 5 phút và tuyệt đối đừng nên xoa bụng trong tháng cuối thai kỳ.

Cảm xúc không ổn định

Nếu phụ nữ mang thai không ổn định về mặt cảm xúc trong thời gian dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Sau khi tăng estrogen, các cơ quan khác nhau của cơ thể sẽ trải qua một loạt thay đổi để thai nhi phát triển, trong trường hợp này, mẹ có thể xuất hiện tính khí cáu gắt, cộc cằn, luôn không vui, nếu mẹ luôn mất bình tĩnh dễ khiến thai nhi cũng bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc và hoạt động nhiều hơn. Từ đó làm tăng tỉ lệ bị dây rốn quấn cổ hơn.

 

Thức khuya

Bà bầu thức khuya sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Nếu mẹ thức khuya thì nhịp sinh học của em bé trong bụng cũng ảnh hưởng theo, bé cũng có thể ngủ muộn theo mẹ. Nếu mẹ ngủ sau 10 giờ, thức quá khuya hay thường xuyên mất ngủ, con trong bụng sẽ bức bối, khó chịu, quẫy đạp và di chuyển liên tục làm tăng nguy cơ bị dây rốn quấn cổ.

Tập thể dục quá sức

Trong thời gian mang thai mẹ bầu có thể tập luyện để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên nếu luyện tập quá sức lại rất có hại cho cả mẹ và thai nhi trong bụng. Mẹ tập luyện quá nhiều với cường độ cao, có thể khiến thai nhi có xu hướng quay đầu nhiều hơn, điều này dẫn đến tình trạng dây rốn quấn cổ.

Làm cách nào nhận biết chính xác thai nhi bị dây rốn quấn cổ?

Khi mang thai, mẹ nên chú ý từng dấu hiệu dù là nhỏ nhất trên cơ thể, vì chúng có thể là những thông điệp mà con trong bụng muốn cầu cứu. Bị tràng hoa quấn cổ, thai nhi sẽ có biểu hiện thai máy bất thường. Thai máy hiểu nôm na là các chuyển động thông thường biểu hiện cho tình trạng sức khỏe của thai nhi khi nằm trong bụng mẹ.

Bắt đầu từ khoảng tuần thứ 30 của thai kỳ, em bé trong bụng bắt đầu đạp và có những chuyển động rõ rệt, đều đặn mà mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được. Ngay từ lúc này, các mẹ hãy cố gắng ghi nhớ và để ý số lần chuyển động của thai nhi theo một chu kỳ nhất định nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe của bé. Trung bình thai nhi sẽ máy khoảng 3 đến 4 lần trong một giờ. Nếu khi đếm mẹ nhận thấy số lượng máy bỗng nhiên nhiều hơn hoặc quá ít hơn bình thường thì khả năng rất cao con trong bụng đang bị dây rốn quấn cổ.

Khi con trong bụng máy nhiều, rất có thể dây rốn đang quấn chặt khiến bé cảm thấy ngạt thở vì cạn oxy dẫn đến tình trạng tích cực quẫy đạp, vùng vẫy với mục đích muốn tự mình tháo gỡ, thoát ra khỏi những “tràng hoa” này. Ngược lại, nếu thai nhi máy quá ít, im ắng bất thường cũng là một dấu hiệu xấu. Nhiều khả năng dây rốn quấn cổ khiến bé không thể cử động được và bắt buộc phải nằm im. Mẹ nên chú ý kỹ đến những sự chuyển động này để đến bệnh viện siêu âm ngay lập tức.

Hiện nay, siêu âm chính là cách thức duy nhất giúp phát hiện chính xác liệu thai nhi có đang bị dây rốn quấn cổ hay không và mức độ quấn nặng nhẹ thế nào để mẹ dễ dàng theo dõi.