Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cảm giác buồn ngủ tạo nên từ từ cùng với sự tích tụ trong não bộ chất hóa học có tên gọi adenosine.

Adenosine là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa. Thời gian thức giấc càng dài, adenosine càng tích tụ nhiều và chúng ta càng cảm thấy buồn ngủ hơn.

Caffeine trực tiếp ngăn chặn adenosine. Việc này sẽ làm giảm tình trạng buồn ngủ và dẫn đến khó ngủ sau khi sử dụng. Nếu bạn rất buồn ngủ do lượng adenosine tăng cao vì thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, caffeine có thể không có tác dụng nhiều trong việc giữ tỉnh táo.

Nếu sử dụng cà phê gần thời gian đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ở cả 2 khía cạnh: khó đi vào giấc ngủ hơn và ngủ không sâu giấc (Ảnh: Getty).

Thức uống giàu caffeine được biết đến nhiều nhất chính là cà phê. Một tách cà phê là lựa chọn quen thuộc của nhiều người để khởi đầu ngày mới tỉnh táo hơn.

Với những người "nghiện" thức uống này, họ có thể sử dụng cà phê nhiều thời điểm trong ngày thậm chí là vào buổi tối.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo, nếu sử dụng cà phê gần thời gian đi ngủ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ở cả 2 khía cạnh: khó đi vào giấc ngủ hơn và ngủ không sâu giấc.

Theo BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện của con người.

Giấc ngủ đủ giờ và đủ chất lượng có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung, giảm stress và lo âu, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh tăng huyết áp.

Nếu không có đủ giấc ngủ, cơ thể sẽ không được phục hồi và tái tạo đủ năng lượng. Điều này có thể gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và não bộ.

BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Ảnh: Mạnh Quân).

"Mới đầu bệnh nhân chỉ đơn giản là bị mất ngủ nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh như: trí nhớ giảm, cơ thể uể oải, mệt mỏi, độ tập trung giảm, thậm chí là ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. 

Những vấn đề này tác động lớn đề đời sống, quá trình học tập và làm việc của bệnh nhân", BS Phúc cho hay.

Các nghiên cứu cho thấy, nên tránh uống cà phê nói riêng và các sản phẩm chứa nhiều caffeine nói chung ít nhất 4 - 6 tiếng trước khi ngủ. Trong trường hợp là người có độ nhạy cảm cao với caffeine, bạn nên cân nhắc tránh uống cà phê từ buổi chiều.

Một ly espresso có chứa lượng caffeine cao gấp 5 lần cà phê phin thông thường. Cụ thể, một ly espresso 30ml có chứa 40-75mg caffeine (tương đương với 60ml có thể chứa 127mg caffeine). Trong khi đó, một ly cà phê phin 250ml mới chứa khoảng 85-125mg.

Hàm lượng caffeine có trong espresso cao hơn, do vậy có thể giúp bạn tăng năng lượng, tăng sự tỉnh táo nhiều hơn so với cà phê phin thông thường. Điều này cũng đồng nghĩa với việc espresso có thể gây mất ngủ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, cần nhớ rằng caffeine có thể tìm thấy trong cà phê, nước ngọt có ga, trà, nước uống tăng lực, và sô cô la. Có một số thuốc và thực phẩm chức năng không cần kê đơn có chứa caffeine, chính vì thế cần đọc kỹ nhãn thành phần của sản phẩm.