Tác động tích cực của tập thể dục trong việc giảm mức độ lo lắng được nghiên cứu bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Lund của Thụy Điển, Martina Svensson và Tomas Deierborg của Khoa Khoa học Y tế Thực nghiệm, công bố trên tạp chí Frontiers in Psychiatry.

Nghiên cứu này đã xem xét tổng cộng 395.369 cá nhân chia thành hai nhóm, người có trượt tuyết và không trượt tuyết trong thời gian khoảng 21 năm. Trong một cuộc trò chuyện với tờ DailyMail, Svensson nói rằng đầu tiên họ sẽ điều tra xem có bao nhiêu người trượt tuyết được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu so với những người không trượt tuyết thường xuyên.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nhóm người hay tích cực vận động có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu thấp hơn đến 60% suốt khoảng thời gian theo dõi 21 năm đó. Con số phần trăm chính xác thì sẽ phụ thuộc vào mô hình thống kê - nếu họ căn cứ theo giới tính, độ tuổi và trình độ học vấn – thì sẽ rơi vào khoảng 58 đến 62% dựa theo mô hình.

Họ cũng tiến hành so sánh thành tích giữa những người trượt tuyết – bằng cách đo lường hiệu suất dựa trên thời gian hoàn thành các lượt đua và những thói quen luyện tập tốt.

Từ đó, họ cũng nhận thấy một sự khác biệt đáng kể về thành tích tập luyện và nguy cơ phát triển chứng lo âu giữa những người trượt tuyết nam và nữ.

Svensson phát hiện ra rằng những phụ nữ có thành tích cao có nguy cơ phát triển chứng lo âu gần như gấp đôi so với những phụ nữ trượt tuyết có thành tích thấp. Tuy nhiên, nguy cơ mắc chứng lo lắng ở những phụ nữ có thành tích cao vẫn không cao bằng khi đem so với nhóm không tham gia thể dục. Mặc khác, ở nam giới thì không cho thấy có một sự khác biệt nào lớn.

Svensson kết luận rằng: “Có vẻ như cả hai giới đều hưởng được nhiều ích lợi từ việc tham gia hoạt động thể chất, mặc dù mức độ vận động thích hợp sẽ khác nhau giữa nam và nữ. Các nghiên cứu khác tập trung vào một môn thể thao cụ thể có thể sẽ tìm thấy những kết quả và mức độ tương quan giữa các yếu tố có sự khác nhau đôi chút. Nhưng đó rất có thể là do một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà chúng ta không thể dễ dàng kiểm soát được trong các phân tích nghiên cứu.”