Tại sao người bệnh sốt xuất huyết tốn hàng trăm triệu viện phí?
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương (sinh năm 1989) chuyển từ Đồng Nai lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM khoảng đầu tháng 10. Khi đó, chị Phương sốt cao, suy hô hấp, tổn thương gan thận và sốc sốt xuất huyết.
“Bệnh đến vô cùng đột ngột”, chị nói. Ban đầu, chị Phương chỉ sốt, đau đầu, được chẩn đoán sốt siêu vi nhưng diễn tiến bệnh rất nhanh. Chị nôn ói, choáng váng, kiệt sức và được chuyển lên TP.HCM. Trong quá trình điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Tích cực chống độc người lớn, chị Phương phải thở máy, lọc máu liên tục, truyền máy, huyết tương, kháng sinh… để giành lại sự sống.
Gần một tháng sau, chị dần hồi phục nhưng kèm theo đó là số viện phí ngoài sức tưởng tượng: khoảng 300 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Lan, Trưởng Khoa Nội B cho biết, bệnh nhân này đã phải điều trị hồi sức do tình trạng rất nặng, sử dụng các chế phẩm của máu như hồng cầu lắng, huyết tương đông lạnh, tiểu cầu… rất đắt tiền. Bên cạnh đó, thời gian nằm viện kéo dài, chị Phương lại không có Bảo hiểm y tế nên phải tự chi trả toàn bộ, gánh nặng vô cùng lớn.
“Sốt xuất huyết biến chứng nặng phải can thiệp kỹ thuật cao, có trường hợp phải chạy ECMO, chi phí lên đến cả tỷ đồng. Nếu bệnh nhân có Bảo hiểm y tế sẽ đỡ rất nhiều”, bác sĩ Lan nói. Cùng thời gian trên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng điều trị cho một ca sốt xuất huyết nguy kịch, không Bảo hiểm y tế và tổng viện phí gần 700 triệu đồng.
Trong khi đó, bác sĩ Võ Thành Luân, Phó khoa Hồi sức - Nhiễm Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho hay, vừa qua, anh cũng tiếp nhận một ca sốt xuất huyết nguy kịch mà tổng chi phí lên đến 260 triệu đồng.
Đó là bệnh nhi 14 tuổi, ngụ tại Bình Dương, được chuyển lên TP.HCM cấp cứu. Trẻ được điều trị hồi sức tích cực suốt 10 ngày với các kỹ thuật như thở máy, lọc máu, thay huyết tương, kháng sinh… Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhi không qua khỏi. Gia đình chi trả một phần viện phí, phần còn lại khoảng 200 triệu bệnh viện đang xoay sở.
“Thẻ Bảo hiểm của trẻ hết hạn, sau đó mua lại và đang chờ cấp. Không may trong thời gian chờ đợi trẻ lại mắc bệnh nặng nên chi phí rất cao”, bác sĩ Luân lý giải và dẫn chứng, mỗi lần thay huyết tương cho trẻ sốt xuất huyết nguy kịch tốn khoảng 20 triệu. "Cứ một quả lọc là 12 triệu, 150ml huyết tương là 500 ngàn đồng. Trung bình mỗi trẻ sốt xuất huyết nặng có chỉ định thay huyết tương khoảng 3 lít".
Thêm vào đó, quá trình điều trị và chăm sóc cho trẻ bị sốt xuất huyết nguy kịch rất vất vả. Bởi lẽ, trẻ phải thở máy, bù dịch, truyền máu, chế phẩm máu liên tục, bất kể đêm ngày. Riêng việc lấy ven cũng đã khó khăn vì trẻ bị phù, đụng đâu cũng chảy máu.
Với những trường hợp không đủ khả năng thanh toán viện phí, hoàn cảnh khó khăn, các bệnh viện đã nỗ lực mọi cách từ phòng công tác xã hội, kêu gọi mạnh thường quân, truyền thông… để giúp đỡ người bệnh.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, người dân nên chủ động mua Bảo hiểm y tế để được giảm gánh nặng chi phí trong tình huống không may. Ngoài ra, cần chú ý đến thời hạn hiệu lực của thẻ Bảo hiểm y tế, vì đã có trường hợp không được thanh toán bảo hiểm do hết hạn mà không biết.
Hiện nay, sốt xuất huyết đang giảm dần nhưng dự báo sẽ còn kéo dài đến gần Tết Nguyên đán. Do đó, ngoài việc phòng ngừa, người bệnh cần đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu chuyển nặng, tránh biến chứng nghiêm trọng. Từ đó, giảm nguy cơ tử vong và gánh nặng tiền bạc cho gia đình.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....