Cây kim tiền thảo là cây gì?

Sở dĩ được gọi là vảy rồng vì mỗi lá của nó giống như một vảy con rồng - Ảnh minh họa: Internet

Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr. thuộc giống họ nhà đậu – Fabaceae. Ở nhiều nơi còn gọi kim tiền thảo là cây mắt trâu, vảy rồng, mắt rồng.

Đặc điểm nhận diện cây kim tiền thảo

Cây nhỏ cao 40 - 80cm, mọc bò. Thân rạp xuống, đâm rễ ở gốc rồi mọc đứng. Cành non hình trụ, khía vằn và có lông nhung màu gỉ sắt.

Thân cây hình trụ, dài đến 1m, phủ đầy lông mềm, ngắn, màu vàng. Chất hơi giòn, mặt lởm chởm.

Tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Lá mọc so le, 1 - 3 lá chét, tròn hoặc thuôn, đường kính 2 - 4cm, đỉnh tròn, tù, đáy hình tim hoặc tù, mép nguyên, mặt trên màu lục hơi vàng hoặc màu lục xám, nhẵn, mặt dưới hơi trắng, có lông, gân lá hình lông chim, cuống dài từ 1 - 2 cm, 2 lá kèm hình mũi mác dài khoảng 8 mm. Mùi hơi thơm, vị hơi ngọt.

Cụm hoa mọc thành chùm ở nách hay ở ngọn, có lông mềm màu hung hung, thường có lá ở gốc các hoa. Hoa màu hồng, ra hoa tháng 6 - 9, kết quả tháng 9 - 10.

Bộ phận có thể dùng để làm thuốc chữa bệnh là tất cả các bộ phận của kim tiền thảo. Sau khi thu hoạch, có thể bảo quản lâu hơn bằng cách tiến hành phơi khô và đóng gói lại, bảo quản ở nơi thoáng mát.

Thành phần hoá học

Kim tiền thảo có chứa polysaccharid, saponin triterpen, các flavonoid như: isovitexin, vicenin glycosid, isoorientin... và các chất khác như desmodimin, desmodilacton, lupenone, tritriacontane, acid stearic...

Cây kim tiền thảo mọc ở đâu?

Kim tiền thảo thường mọc ở những nơi hoang dại trên vùng đồi thấp, một số ít mọc ở vùng đồi núi cao. Loại cây này có khả năng phát triển rất tốt ở vùng trung du. Kim tiền thảo không phát triển được ở vùng khí hậu lạnh giá hay những nơi thường xuyên ngập nước. Cây sẽ phát triển đều tới kích thước tối đa trong khoảng 4 - 5 tháng từ lúc gieo hạt.

Kim tiền thảo thường mọc ở những nơi hoang dại trên vùng đồi thấp - Ảnh minh họa: Internet

Ở nước ta, cây kim tiền thảo phân bố tự nhiên ở các tỉnh Trung du và vùng núi thấp ở phía Bắc Việt Nam, bao gồm Quảng Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình và một số tỉnh khác.

Cây kim tiền thảo chữa bệnh gì?

Sỏi đường niệu

Hoạt chất soyasaponin I chứa trong kim tiền thảo đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận. Cao kim tiền thảo khi thí nghiệm trên động vật có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận, do thành phần polysaccharide chứa trong cao có tác dụng này và đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu. Kim tiền thảo còn có tác dụng tăng cường sự tiết mật.

Đối với hệ tim mạch

Trên thực nghiệm cao kim tiền thảo làm tăng lưu lượng mạch vành, hạ huyết áp, làm tim đập chậm, đồng thời làm giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim. 

Tác dụng hạ huyết áp do sự kích thích các thụ thể cholinergic và sự phong bế các thụ thể adrenergic. Thành phần flavonoid của kim tiền thảo cũng có tác dụng hạ huyết áp.

Theo y học cổ truyền, tác dụng của cây kim tiền thảo bao gồm:

Thanh nhiệt lợi tiểu

Kim tiền thảo có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu và điều trị các chứng bệnh như bàng quang tích nhiệt, các chứng tiểu buốt, tiểu khó, nước tiểu vàng sẫm...

Kim tiền thảo trị sỏi thận

Kim Tiền Thảo nổi tiếng là bài thuốc trị sỏi hiệu nghiệm - Ảnh minh họa: Internet

Tác dụng của cây kim tiền thảo là lợi tiểu, giúp pha loãng dòng nước tiểu từ đó có thể ngăn chặn hoặc làm giảm sự phát triển của sỏi thận. 

Kim tiền thảo được sử dụng nhiều trong việc điều trị sỏi thận, giúp hỗ trợ bào mòn sỏi, giảm tình trạng phù nề niệu quản, từ đó có thể giúp khả năng đào thải sỏi ra ngoài cơ thể được tốt hơn.

Trị ho, hóa đờm

Kim tiền thảo vị đắng tính hàn, trong Đông y đắng có thể táo thấp (làm khô cái ẩm ướt), khi có thấp sẽ tụ thành đờm. Tiêu trừ được thấp thì sẽ trừ được đờm, đó là lý do tại sao nói tác dụng của cây kim tiền thảo có thể trị ho, hóa đờm.

Giải độc tiêu sưng

Cây kim tiền thảo có tác dụng nhất định đối với các triệu chứng trúng độc hoặc tổn thương do rắn cắn. Thông thường có thể dùng lá tươi xay lấy nước uống hoặc dã nát đắp lên trên vết thương sẽ có tác dụng rất tốt.

Lợi thấp thoái hoàng, trị vàng da do viêm gan

Kim tiền thảo không chỉ có tác dụng làm mát gan lợi mật, mà còn có thể điều trị các chứng thấp nhiệt.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng cây kim tiền thảo

Cây kim tiền thảo chữa sỏi thận

Kim tiền thảo có thể kết hợp với một số loại thảo dược khác để giúp điều trị bệnh hiệu quả. Kim tiền thảo 40g kết hợp với 20g tỳ giải, mã đề 20g, 12g uất kim, 12g ngưu tất, trạch tả 12g, 8g kê nội kim. Tất cả đem đi sắc uống đều mỗi ngày, liên tục trong 1 tháng.

Kim tiền thảo trị sỏi mật

Dùng 20g Kim tiền thảo, rau má tươi 20g, 12g hoạt thạch, 20g cỏ xước, 8g củ nghệ vàng, 12g củ gấu, 8g hải tảo, 6g kê nội kim. Tất cả sắc thành một thang và dùng uống trong ngày.

Chữa viêm túi mật và viêm đường mật

Kim Tiền Thảo kết hợp với nhiều dược liệu khác làm tăng dược tính hiệu quả - Ảnh minh họa: Internet

Dùng 40g kim tiền thảo, 16g sài hồ, 40g nhân trần, 12g chi tử, 16g mã đề, 8g uất kim, 8g chỉ xác, 4g đại hoàng, 6g khổ luyện từ. Tất cả sắc thành một thang đem sử dụng uống trong ngày.

Kim tiền thảo chữa sỏi niệu gây ra tình trạng chảy máu

Dùng kim tiền thảo 40g, 20g mã đề, ngưu tất 12g, 12g ý dĩ; uất kim, kê nội kim, đại phúc bì, đào nhân, chỉ xác mỗi loại thảo dược 8g. Sắc thành một thang thuốc uống đều trong ngày.

Chữa sỏi niệu kèm theo bội nhiễm đường tiết niệu

Kim tiền thảo 40g; mã đề, tỳ giải, mỗi vị 20g; trạch tả, uất kim, ngưu tất, mỗi vị 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Hoặc kim tiền thảo 40g, mã đề 20g; sinh địa, đạm trúc diệp (cỏ lá tre) mỗi vị 16g; mộc thông, kê nội kim, cam thảo (sao cháy) mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Nếu đái ra máu, thêm cỏ nhọ nồi 16g, tiểu kế 12g. Nếu đau nhiều, thêm: ô dược, uất kim, diên hồ sách mỗi vị 8g.

Điều trị bệnh trĩ

Cần dùng 50g kim tiền thảo khô hoặc cũng có thể dùng 100g tươi sắc uống trong ngày. Sử dụng đều đặn sẽ thấy chứng bệnh trĩ thuyên giảm đáng kể.

Điều trị rắn độc cắn

Kim tiền thảo giã lấy nước, dùng nước đó bôi lên vết thương.

Âm đạo tiết dịch bất thường

Kim tiền thảo, đỗ trọng, mộc thông, thêm một chút đường trắng sắc lấy nước uống.

Điều hòa kinh nguyệt

Kim tiền thảo, lá sen, lá ngải, ngâm với ít rượu uống.

Bệnh thủy thũng do thận hư gây ra

Kim tiền thảo, tiểu hồi hương hầm cùng với móng giò để ăn.

Lưu ý khi dùng kim tiền thảo

Tuyệt đối không nên sử dụng kim tiền thảo cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú - Ảnh minh họa: Internet

Mặc dù là một loại thảo dược lành tính. Tuy nhiên nếu dùng quá nhiều sẽ không tốt thậm chí gây ra tác dụng phụ:

Một số người dùng chữa sỏi thận lạm dụng gây ra mẩn, mụn mủ, làm suy giảm chức năng gan, thận.

Những người có cơ địa dị ứng hoặc tiêu chảy, tỳ hư cần tránh dùng.

Việc chữa bệnh sỏi còn căn cứ vào độ lớn và vị trí của sỏi mà đưa ra liều lượng, phác đồ điều trị phù hợp. Theo khuyến cáo, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ để xác định mức độ bệnh trước khi sử dụng kim tiền thảo để tránh tác dụng không mong muốn.

Tuyệt đối không nên sử dụng kim tiền thảo cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú

Nói tóm lại, kim tiền thảo là một cây thuốc hữu dụng cho sức khỏe, đặc biệt tốt đối với các trường hợp sỏi thận, sỏi mật. Tuy nhiên, để tận dụng các tác dụng của cây kim tiền thảo, chúng ta cần sử dụng đúng cách, không nên lạm dụng để tránh những tác dụng ngoài ý muốn của cây gây nên.