Bà bầu bị sốt xuất huyết có gì khác người bình thường?
Sốt xuất huyết là bệnh do virus lây truyền sang cơ thể người bởi loài muỗi Aedes aegypti. Bệnh phát triển mạnh ở các vùng nhiệt đới có khí hậu ấm áp và ẩm ướt chẳng hạn như Việt Nam. Có 4 loại virus gây bệnh sốt xuất huyết.
Do sốt xuất huyết là một căn bệnh lây truyền qua vết muỗi đốt nên trường hợp bà bầu bị sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong mùa mưa, thời kỳ muỗi phát triển mạnh bởi tình trạng nước ứ đọng. Muỗi Aedes hoạt động tích cực vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm và chiều muộn.
Dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết
Biểu hiện bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như ở những đối tượng khác như:
- Sốt cao đột ngột kèm theo lạnh run, run rẩy.
- Đau đầu dữ dội, đau mỏi cơ khắp người hoặc nhức 2 hốc mắt.
- Ăn uống kém, không ngon miệng, buồn nôn hay nôn thường xuyên.
- Da có thể phát ban hoặc xung huyết
- Xuất hiện các nốt đỏ trên da, căng da không mất.
- Chảy máu chân răng.
- Cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít.
- Khó thở
- Mất nước gây hạ huyết áp với biểu hiện: choáng, nhịp tim nhanh....
- Xét nghiệm dung tích hồng cầu tăng kèm theo tiểu cầu hạ nhiều đến mức báo động, rối loạn đông máu gây nguy cơ xuất huyết cao, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi. Nguyên nhân là vì khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu, tạo cơ hội cho virus có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó bà bầu bị sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn người không có thai.
Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong thời gian mang thai và khi sinh do sốt xuất huyết gây ra, bao gồm:
Giảm tiểu cầu
Có thể đe dọa đến tính mạng cho cả mẹ lẫn con. Ngoài ra, giảm tiểu cầu mức độ nặng có thể dẫn đến một số biến chứng khi sử dụng những kỹ thuật y khoa can thiệp trong quá trình sinh.
Sinh non, em bé nhẹ cân
Sốt xuất huyết khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và ba có khả năng làm tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng.
Sảy thai
Khi thai phụ bị sốt xuất huyết trong tam cá nguyệt đầu tiên sẽ làm tăng nguy cơ bị sảy thai.
Xuất huyết
Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết rất cao, dẫn đến băng huyết sau sinh do rối loạn đông máu, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và em bé.
Tiền sản giật khi mang thai
Hơn nữa, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh. Thai phụ có thể cần phải mổ lấy thai nếu chẳng may mắc phải sốt xuất huyết trong những ngày cuối của thai kỳ, trước khi sinh em bé.
Tuy nhiên, nguy cơ thai phụ truyền bệnh sốt xuất huyết cho con chỉ xảy ra nếu mẹ bầu bị bệnh vào giai đoạn cuối thai kỳ. Nhưng khả năng thai nhi mắc phải virus này là khá thấp. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn rằng bệnh sốt xuất huyết gây ra dị tật cho trẻ.
Mặc dù vậy, bà bầu vẫn phải cẩn thận để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, dẫn đến lây lan sang cho trẻ sơ sinh. Em bé sau sinh sẽ lập tức được kiểm tra các triệu chứng điển hình như sốt cao, phát ban da, tiểu cầu thấp trong trường hợp mẹ bị sốt xuất huyết lúc gần thời điểm sinh nở.
Sốt xuất huyết khi mang thai cần phải làm gì?
Sốt xuất huyết có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào việc bà bầu có được chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Nếu được chẩn đoán sớm, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ rất cao.
Việc điều trị sốt xuất huyết kịp thời trong thời gian mang thai sẽ đảm bảo thai phụ và em bé được khỏe mạnh. Thai phụ trong quá trình điều trị sốt xuất huyết cần lưu ý những điều sau đây:
Cần đến các cơ sở y tế uy tín ngay để được chẩn đoán sớm bệnh, đưa ra phương hướng điều trị bệnh.
Điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi thai phụ nên không được tự ý mua thuốc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai.
Khám thai định kỳ để theo dõi huyết áp và mức tiểu cầu trong máu
Chú ý đến tình trạng sốt vì sốt có thể gây nguy hiểm cho thai nhi, khi sốt trên 38 độ C cần hạ sốt bằng paracetamol, lau mát tích cực, uống nhiều nước, mặc quần áo thoáng mát. Khi sốt dưới 38 độ C chưa cần dùng thuốc ngay mà có thể hạ sốt bằng cách lau mát, uống nước nhiều.
Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa.
Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu gây ảnh hưởng tới sức khỏe mẹ và bé, tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng và nghiêm trọng, thai phụ cần phải nhập viện và theo liên tục trong phòng chăm sóc đặc biệt
Nếu bị sốt xuất huyết vào cuối thai kỳ gần thời điểm dự sinh thai phụ nên chọn những bệnh viện lớn, uy tín để tiến hành sinh đẻ. Để xử lý kịp thời những trường hợp xấu xảy ra trong và sau khi sinh.
Bà bầu bị sốt xuất huyết nên ăn gì?
Chế độ ăn uống với bà bầu khi bị sốt xuất huyết không có gì đặc biệt. Nhưng có một số vấn đề quan trọng thai phụ cần lưu ý:
Ăn lỏng dễ tiêu, ăn cháo hay súp giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, giảm cảm giác chán ăn.
Nếu như bị sốt cần bổ sung uống nước hoa quả để tăng cường các chất khoáng, nước và vitamin như nước cam, nước dừa…
Nếu xuất hiện tình trạng chảy máu chân răng, bà bầu phải hết sức thận trọng. Trong ăn uống, bà bầu không nên ăn thức ăn quá cứng như xương có thể gây rách môi hoặc dễ chảy máu.
Đặc biệt, không ăn các thực phẩm chế biến từ huyết và có màu đen, dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán biến chứng xuất huyết tiêu hóa ở bà bầu bị sốt xuất huyết
Ngoài ra, những thức ăn khác không cần kiêng cữ quá nhiều.
Phòng chống sốt xuất huyết cho bà bầu như thế nào?
Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh do sức đề kháng suy kém nên biện pháp tốt nhất là phòng tránh bệnh. Chủ động phòng tránh bệnh bằng cách diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và đề phòng bị muỗi đốt bằng cách:
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, vệ sinh dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa thường xuyên, dọn vệ sinh khu vực sống.
Ở trong nhà vào sáng sớm và chiều muộn vì thời gian này muỗi Aedes bắt đầu hoạt động tích cực hơn
Sử dụng thuốc đuổi muỗi xung quanh khu vực nhà ở.
Mặc quần áo sáng màu, dài tay đề phòng muỗi đốt.
Mắc màn khi ngủ, sử dụng màn có hóa chất đuổi muỗi
Sử dụng vợt muỗi, hương xua muỗi.
Sử dụng lưới chống muỗi ở khu vực cửa sổ và cửa ra vào
Muỗi không thích không khí lạnh, nên khi thời tiết nóng có thể bật điều hòa trong phòng ngủ.
Bà bầu bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm vì có nguy cơ ảnh hưởng tới cả bà mẹ và thai nhi do những biến chứng của bệnh gây ra. Chính vì vậy khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, bà bầu nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và theo dõi kịp thời. Chủ động phòng chống muỗi đốt là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất.