“Tôi đã quyết định tạm dừng việc ăn cơm. Thay vào đó, tôi đang ăn khoảng 600 g thịt mỗi ngày song song với các loại rau, củ, quả khác nhau”, anh Đ.Q.T. (28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ với Zing.

Sau khi chuyển công ty cùng khối lượng công việc lớn, anh T. bắt đầu nhận thấy mình có dấu hiệu tăng cân và béo bụng. Lúc này, anh mới tìm tới lời khuyên từ đồng nghiệp cũng như các thông tin trên mạng xã hội trước khi đưa ra quyết định ăn kiêng.

Tương tự anh T., chị L.Q.T. (24 tuổi, ngụ Đống Đa, Hà Nội) cũng bắt đầu tuân thủ chế độ ăn Low Carb để giảm cân. Khẩu phần mỗi ngày của chị T. chủ yếu gồm các loại thịt gà, bò, lợn và rau. Tinh bột chỉ được nạp một lần trong ngày vào buổi sáng.

Nguy hiểm vì ăn quá nhiều thịt

Theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Nghề nghiệp, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các chế độ ăn như Keto, Low Carb, Eat clean,... đang trở nên rất phổ biến trong cộng đồng thời gian qua.

Các chế độ ăn này đều hướng tới giảm lượng carbohydrate (tinh bột, đường), tăng protein (chất đạm) và chất béo từ thịt, rau xanh để kiểm soát cân nặng. Trong đó, hầu hết người thực hiện đều lựa chọn và tiêu thụ nhiều thịt đỏ như bò, lợn.

Người Việt đang ăn quá nhiều thịt đỏ so với mức khuyến cáo. Ảnh minh họa: steven_lim.

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 vừa qua cũng cho thấy mỗi người Việt đang tiêu thụ trung bình 134 g thịt/ngày. Trong đó, có tới 95,5 g đến từ thịt đỏ, phần còn lại là thịt gia cầm và các sản phẩm từ thịt.

Tại khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt được ghi nhận cũng cao hơn với trung bình 154 g/ngày, trong đó có 155,3 g là thịt đỏ. Những con số này là rất cao so với 70 g thịt đỏ/ngày được khuyến cáo.

Theo PGS Nhung, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ gây ra tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn tới sức khỏe bị ảnh hưởng trực tiếp.

Vị chuyên gia lấy ví dụ về một số trường hợp ăn quá nhiều thịt và mắc bệnh chuyển hóa lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng acid uric, gout,... Nhiều trường hợp cao tuổi còn bị ảnh hưởng chức năng thận do sử dụng chế độ ăn Low Carb trong thời gian dài.

“Một số nghiên cứu còn chỉ ra việc ăn quá nhiều thịt đỏ gây ra nguy cơ ung thư cao”, PGS Nhung nói thêm.

Cùng quan điểm, tiến sĩ Tuấn Thị Mai Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay thịt đỏ là nguồn cung cấp protein động vật quan trọng. Trong 100 g thịt lợn nạc có 19 g protein, 100 g thịt bò chứa 21 g protein, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu protein trong ngày của một người trưởng thành.

Đặc biệt, thịt đỏ còn giàu các loại khoáng chất như sắt, kẽm, vitamin B12. Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, 100 g thịt bò thăn nạc cung cấp 1,6 g sắt, 4,05 g kẽm, khoảng 1 mcg B12. Trong 100 g thịt lợn có khoảng một g sắt, 2,5 g kẽm, 0,84 mcg B12. Hàm lượng này cao so với các thực phẩm khác.

“Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều thịt đỏ tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh mỡ máu, tim mạch, ung thư đại trực tràng”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ăn bao nhiêu là đủ?

Thực tế, việc tiêu thụ thịt đỏ phụ thuộc phần lớn vào thói quen văn hóa ẩm thực, khu vực, tính sẵn có của thực phẩm theo vị trí địa lý tự nhiên, chính sách phát triển nông nghiệp, chăn nuôi của mỗi quốc gia.

Để cân bằng giữa lợi ích của việc ăn thịt đỏ (nguồn cung cấp protein, vi chất dồi dào) với nguy cơ (mắc bệnh không lây nhiễm, ung thư) cần có hướng dẫn cụ thể về lượng tiêu thụ hợp lý.

Quỹ Phòng chống Ung thư quốc tế, Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, khuyến cáo mỗi người nên ăn không quá 3 lần thịt đỏ/tuần, tổng lượng thịt đỏ một tuần khoảng 350-500 g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700 g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương).

Một người trưởng thành chỉ nên nạp tối đa khoảng 700 g thịt sống mỗi tuần. Ảnh minh họa: eiliv_sonas_aceron.

 Lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70 g/ngày (thịt đã chế biến chín) tương đương khoảng 100 g/ngày thịt sống không bao gồm xương.

Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày, người dân nên sử dụng thịt nạc, tăng cường thịt gia cầm, cá, trứng, sữa để cung cấp đủ nhu cầu về protein, khoáng chất.

Theo Giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ miễn dịch của cơ thể như một thành trì với dinh dưỡng là nguyên liệu xây nên nó. Các “viên gạch” lúc này gồm protein (chất đạm), chất béo, carbohydrate,...

Các chất này đồng thời đóng vai trò mắt xích mấu chốt, truyền tin và giữ cho hàng rào miễn dịch luôn kết nối vững vàng, cung cấp nguồn năng lượng giúp hệ miễn dịch vận hành trơn tru, hiệu quả.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên ăn uống cân bằng, lựa chọn đa dạng loại thực phẩm, đúng tháp dinh dưỡng, tránh chạy theo trào lưu ăn kiêng không phù hợp. Đồng thời, cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể, thay đổi thói quen xấu, ăn uống lành mạnh hơn.

Bên cạnh việc chú ý lượng thịt đỏ, người dân cũng được khuyến cáo tỷ lệ các chất gồm carb, protein, chất béo nên là 64%-16%-20% trên tổng năng lượng nạp vào.