Rau cần còn gọi rau cần nước, cần cơm, cần ống, cần ta…, có tên khoa học là Oenanthe javanica (Blume). Nó có thân xốp, nhiều đốt, mỗi đốt mang một lá, thân cao 20 – 30cm và là loại rau quen thuộc trong mâm cơm của người Việt.

Rau cần có thể chữa trị nhiều chứng bệnh như mất ngủ, viêm chi khí quản, ho hen, cao huyết áp. (Ảnh: Internet)

Ngoài hương vị thơm ngon, rau cần còn được xem là một vị thuốc chữa bệnh. Y học cổ truyền cho rằng, rau cần có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bình can, thanh nhiệt, trừ phong lợi thấp, nhuận phế, ngưng ho, giảm đau, cầm máu…. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ rau cần được giới thiệu trong cuốn sách Chữa bệnh bằng rau, củ, quả và động vật:

Trị chứng mất ngủ: Lấy gốc rau cần cả rễ 90g, toan táo nhân 9g (sao cháy đen); sắc nước uống. Nếu bị nhức đầu, hãy lấy gốc rau cần cả rễ 1 nắm to, rửa sạch, giã nát, xào với trứng gà, ăn ngày 2 lần.

Viêm chi khí quản: Gốc rau cần cả rễ 100g, vỏ quýt 9g, kẹo mạch nha 30g; cho kẹo mạch nha vào nồi, đun sôi; sau đó cho gốc rau cần và vỏ quýt sao cháy; đổ thêm nước, sắc uống trong ngày.

Chữa hen do viêm phế quản mạn: Rễ rau cần 15g, hoa kinh giới 6g, hoa tiêu 10 hạt, phục linh 9g, đường phèn 12g; cho rễ rau cần, hoa tiêu, phục linh vào đun sôi trong 10 phút, cho tiếp hoa kinh giới vào đun sôi 5 phút, chắt lấy nước, hòa với với 6g đường phèn và uống. Nước thứ 2 đun sôi trong 10 phút, pha nốt 6g đường phèn uống.

Chữa cao huyết áp, thần kinh căng thẳng: Rau cần tươi 250g, rửa sạch, trần nước sôi, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy nước uống; mỗi lần 1 chén con, ngày 2 lần. Nếu không có cần tươi có thể dùng 30 – 60g rau cần khô, thêm 12g mướp đắng sắc uống.

Chữa tiểu đường: Rau cần tươi 60g, gạo tẻ 70 – 100g; rau cần rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi cùng với gạo, thêm 600ml nước, nấu thành cháo; ngày ăn 2 lần vào buổi sáng và tối. Món cháo này có tác dụng bổ thận, thanh nhiệt, lợi tiểu, bình can nhưng phải dùng lâu mới hiệu quả.