Kinh nguyệt màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm

Kinh nguyệt có màu đỏ tươi hoặc hơi đỏ sẫm một chút được coi là dấu hiệu khỏe mạnh. Điều này có nghĩa là lớp niêm mạch tử cung bong ra và máu chảy qua hệ thống sinh dục nhanh chóng. Kinh nguyệt màu đỏ tươi thường phổ biến ở những ngày đầu tiên khi "rớt dâu".

Kinh nguyệt có màu đỏ sẫm cũng là một dấu hiệu bình thường. Hiện tượng này thường xuất hiện ở cuối chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có nghĩa là máu được tích trữ bên trong tử cung lâu hơn, các tế bào máu có thời gian để phát vỡ và đông lại hoặc bị oxy hóa gây đổi màu.

 

Nếu kinh nguyệt có màu nâu thì bạn cần thận trọng. Trường hợp kinh nguyệt có màu cam kèm mùi hôi và những cơn đau bụng nghiêm trọng thì có thể là bạn đang bị nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu kinh nguyệt bị vón cục, xuất hiện nhiều cục máu đông kích thước lớn và ra nhiều thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang mất cân bằng nội tiết tố hoặc mắc u xơ tử cung.

Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn

Kỳ "đèn đỏ" của phụ nữ thường kéo dài khoảng 3-5 ngày, tùy cơ địa. Chu kỳ kinh nguyệt ổn định thường quay lại trong vòng 28-30 ngày. Một vài trường hợp có thể ngắn hơn (21 ngày) hoặc dài hơn (35 ngày). Điều này vẫn được coi là bình thường và chị em không cần quá lo lắng.

Những thay đổi nhỏ giữa các chu kỳ cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ như khoảng cách giữa 2 chu kỳ trước đó là 28 ngày nhưng bây giờ là 30 ngày thì đó là điều bình thường. Có nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt bị lệch đi vài ngày như vậy. Một trong số đó có thể là do tâm lý căng thẳng. Tuy nhiên, nếu thời gian giữa 2 chu kỳ kéo dài hơn 40 ngày thì bạn nên quan tâm đến sức khỏe của tử cung. Nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

 

Lượng kinh nguyệt ổn định

Tử cung có vai trò hỗ trợ điều chỉnh lượng máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi tử cung hoạt động ổn định thì lượng "dâu" rớt trong ngày "đèn đỏ" sẽ đều hơn.

Thông thường, lượng kinh duy trì khoagnr 50-80ml là bình thương. Nếu kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều, chị em cần cảnh giác với một số bệnh. Đó có thể là dấu hiệu của viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung, u xơ cổ tử cung... Những bệnh lý này có thể ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và sự lưu chuyển dòng chảy kinh nguyệt.