Bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nhiều vấn đề về thể chất lẫn tinh thần. Ảnh: Khương Nguyễn.

Nhiều năm nay, anh T. (quê Quảng Ngãi) phải sống cùng với một nỗi trăn trở lớn. Hiện anh là bệnh nhân ung thư gan giai đoạn 4. Trước đó, mẹ và cô ruột của anh mắc bệnh ung thư vú. Ba anh bị ung thư vòm họng và chú anh từng có nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư thận.

Nhìn những người thân lần lượt qua đời vì ung thư, người đàn ông luôn nơm nớp lo sợ căn bệnh quái ác này sẽ tìm đến đứa con gái mới bước sang tuổi 17. Gia đình 5 người cùng mắc ung thư, dù các mặt bệnh khác nhau, không ai dám lạc quan rằng những thành viên nhỏ tuổi sau này sẽ may mắn thoát bệnh.

Không riêng anh T., nhiều bệnh nhân ung thư khác cũng trăn trở nỗi lo: Liệu 'bản án tử' này có thể di truyền sang những người thân trong gia đình mình?.

Tại Hội nghị phòng chống ung thư được tổ chức tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hôm 5/12, TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc bệnh viện, cho biết số ca mắc mới ghi nhận trong năm nay là 41.758 ca, trong đó ung thư tuyến giáp chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 23,6 %.

Cơ sở 2 của bệnh viện ở TP Thủ Đức mỗi ngày tiếp nhận khám và điều trị cho 4.700-4.900 trường hợp. Trong đó, số lượng bệnh nhân từ tỉnh chuyển đến chiếm khoảng 80 %.

"Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu", TS.BS Diệp Bảo Tuấn nói.

Bên cạnh vấn đề về môi trường sống, các yếu tố đột biến gene được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác giữa các thành viên trong gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

TS.BS Tuấn nhấn mạnh những cá nhân mang gene di truyền liên quan đến ung thư cần được quản lý và sàng lọc theo quy trình riêng, đồng thời cần nhận được tư vấn về liệu pháp can thiệp kịp thời. Điều này là do hầu hết bệnh ung thư liên quan đến đột biến gene di truyền như BRCA1/2 có tỷ lệ mắc và tử vong cao.

TS.BS Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết công tác tư vấn di truyền trong ung thư tại Phòng khám tư vấn di truyền thuộc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xoay quanh 3 hoạt động chính.

Thứ nhất là thăm khám, đánh giá tổng thể và phân tích các yếu tố nguy cơ (bao gồm tiền sử gia đình, phả hệ và độ tuổi khởi phát bệnh).

Thứ hai là tư vấn, chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Thứ ba, sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ phân tích và cung cấp tư vấn chuyên sâu. Điều này giúp bệnh nhân xác định được các đột biến gen để áp dụng điều trị nhắm đích hiệu quả. Quan trọng hơn, tư vấn di truyền còn hỗ trợ gia đình bệnh nhân nhận thức được nguy cơ mắc ung thư, từ đó có hướng phòng ngừa kịp thời.

“Nếu phát hiện mang gene đột biến và áp dụng chế độ tầm soát, theo dõi chặt chẽ cùng các biện pháp điều trị giảm nguy cơ, bệnh có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, tạo cơ hội triển khai các liệu pháp nhắm trúng đích hiệu quả”, TS.BS Hồng Đức cho biết.

Theo báo cáo được công bố hồi tháng 3 năm nay của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mắc ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong vì bệnh này. So với 20 năm trước, số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư năm 2022 đã tăng gần gấp đôi, số ca tử vong vì căn bệnh này cao hơn khoảng 1,5 lần.

Năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận hơn 180.400 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Số ca mắc mới và tử vong do ung thư ngày càng tăng trong vòng 10 năm qua. Đây cũng được xếp hạng là nguyên nhân tử vong sớm đứng hàng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch.