Chứa nhiều caffeine, cà phê có thể gây ra tác hại ở một số đối tượng cụ thể. Ảnh: Mạnh Mốc/Pexels.

Cà phê là thức uống quen thuộc với một số lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều cà phê hoặc không đúng thời điểm có thể mang lại nhiều rủi ro.

Lợi ích của cà phê

Theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 3), cà phê chứa 12% lipit (chất béo); 12% protit (chất đạm); 4% khoáng chất, nhiều nhất là kali và magie.

Cà phê còn chứa hàm lượng cao hợp chất polyphenols có tác dụng chống oxy hóa. Chất này giúp trung hòa gốc tự do, ngăn chặn quá trình hư hại tế bào và ADN, từ đó giảm nguy cơ mắc ung thư, chậm quá trình lão hóa…

Uống cà phê với mức độ vừa phải cũng giúp làm sạch máu, ngừa cao huyết áp, các bệnh tim mạch, nguy cơ xơ vữa động mạch.

Chất caffeine trong cà phê giúp minh mẫn trí tuệ vì nó phong tỏa các thụ cảm adenozyn gây buồn ngủ. Hoạt chất này còn giúp hưng phấn, thư thái do tăng adrenalin trong máu, đẩy nhanh nhịp hô hấp, làm tăng sản xuất dopamin kích thích các trung tâm lạc thú trong não bộ.

Thêm vào đó, uống cà phê cũng giúp lợi tiểu, làm sạch dạ dày, hệ tiêu hóa, cải thiện triệu chứng ở những người mắc bệnh Parkinson và hen suyễn.

Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng mọi người cần tránh uống khi đang dùng một số loại thuốc. Ảnh: Flickr.

Thời điểm không nên uống

Mặc dù loại thức uống này có nhiều lợi ích, người uống nhiều cà phê có thể gặp một số vấn đề như tim đập nhanh, nhức đầu, run tay hoặc cảm thấy bất an; tăng tiết axit dịch vị, hư niêm mạc dạ dày ở những người có hệ tiêu hóa yếu.

Cà phê còn có thể biến đổi tác dụng của dược phẩm, nhất là những thuốc điều trị các bệnh về tuyến giáp, kháng trầm cảm, các hormone estrogen, các thuốc trị loãng xương...; mất tác dụng thuốc trầm cảm.

Một số dược phẩm như các loại kháng sinh, thuốc ngừa thai, thuốc kháng trầm cảm... khiến cà phê không chuyển hóa mà lưu lại trong cơ thể lâu hơn vài giờ so với lúc không dùng dược phẩm. Điều này làm giảm hiệu lực của thuốc, đồng thời gây ra tình trạng mệt mỏi cho người uống.

Do đó, mọi người cần cân nhắc những thời điểm không nên uống cà phê. Ngoài ra, cà phê còn tăng nguy cơ tiểu đường do caffeine giảm độ nhạy của insulin trong cơ thể người khỏe mạnh.

Uống cà phê đúng cách

Theo bác sĩ Vũ, cơ thể mỗi người có mức độ dung nạp caffeine khác nhau. Do đó, mỗi cá nhân nên tự biết cân nhắc liều lượng cà phê nạp vào phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ở mức độ vừa phải, mọi người chỉ nên uống 1-2 ly cà phê/ngày, tối đa 4 ly với tổng lượng caffeine 150-250 mg để cơ thể sảng khoái, linh hoạt.

Nếu nạp trên 4 ly cà phê/ngày, người uống có thể gặp một số rủi ro nhất định như nghiện cà phê, tăng đáp ứng stress, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch ở những người có nguy cơ cao.

Bác sĩ Vũ gợi ý thời điểm hợp lý nhất để uống cà phê là sáng sớm, sau khi ăn hoặc trước khi tập thể dục.

Mọi người nên tránh uống cà phê trước khi thi/phỏng vấn, uống lúc đói, sau 14h hoặc sau khi ăn no.

Ngoài ra, người bị rối loạn tim mạch/không dung nạp caffeine không nên uống cà phê. Người dễ bị căng thẳng, phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, người cao huyết áp, đái tháo đường nên chọn dùng loại cà phê đã rút bỏ caffeine.