Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngày 3/11, cơ sở y tế này đang điều trị một nam bệnh nhân bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau vài ngày ăn tiết canh. 

Bệnh nhân là ông M.V.C, 58 tuổi, ở huyện Chi Lăng. Ông C. có tiền sử tăng huyết áp, suy tim, xơ gan, lạm dụng rượu. Hôm 29/10, ông ăn tiết canh lợn. Sau đó, ông nôn nhiều, đại tiện phân lỏng, ban đỏ tím hai tay, hai chân, mụn nước rải rác toàn thân, được đưa đến bệnh viện tỉnh hôm 31/10.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiêu hoá, viêm màng não, suy thận cấp, suy tim, xơ gan. Bệnh nhân được xử trí thở máy và dùng thuốc vận mạch, lọc máu hằng ngày. Hiện tại bệnh nhân hôn mê, tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng chưa được cải thiện, nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết mới tiếp nhận nam bệnh nhân Đ.V.T. (39 tuổi, Nghệ An) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục, có dấu hiệu hoại tử vùng mặt mũi, các đầu chi… do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Người đàn ông này có thói quen ăn nem, chạo, thịt lợn sống. Bốn ngày trước khi nhập viện, gia đình có mua lòng lợn ở ngoài chợ về ăn.

Khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải thở máy, lọc máu… Dù đã thoát được cơn nguy kịch, các đầu chi ngón tay, ngón chân đã bị hoại tử, phải phẫu thuật tháo khớp.

Nhiều người nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh. Ảnh: Hoàng Linh

Nhiều bệnh viện trên cả nước gần đây tiếp nhận không ít trường hợp nguy kịch do nhiễm khuẩn liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh hoặc giết mổ lợn, nấu ăn có món thịt lợn. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường xuất phát từ thói quen ăn tiết canh và ăn thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín hoặc tiếp xúc với lợn bị bệnh… 

“Một bệnh nhân bị liên cầu lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần, có những bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không. Một số bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết.

Chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Người mắc bệnh có các đặc điểm lâm sàng như sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác…; xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. 

Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hoá như sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run... trước khi có biểu hiệu của viêm màng não.

Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... hôn mê và tử vong.

Về nguồn truyền nhiễm, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy ổ chứa vi khuẩn có thể đến từ lợn nhà, có thể cả lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim. 

S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín.   

Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, để chủ động phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân nên:

- Chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y.

- Tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

- Nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng, trong đó  Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trên 70 độ C.

- Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch.

- Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.

- Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc,chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Khi sốt cao (40-41 độ C) sau khi tiếp xúc với lợn (nhất là lợn ốm hoặc chết), xuất hiện các bất thường ở da nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm.