Tuyệt đối không nên để người lạ, thậm chí cả cha mẹ, hôn trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Ảnh minh họa: Mamaguide.

Những tháng ngày đầu làm mẹ có thể trở nên dễ dàng hơn nếu bạn tránh được các sai lầm phổ biến khi chăm trẻ sơ sinh. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

Hôn trẻ

Theo The Asian Parent, trẻ sơ sinh rất đáng yêu, nhưng tuyệt đối không để bất kỳ ai hôn trẻ, kể cả cha mẹ, trong vài tuần đầu đời. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu, dễ nhiễm trùng hoặc mắc bệnh từ một nụ hôn tưởng như vô hại. Thậm chí, trẻ có thể nhiễm virus gây bệnh mụn rộp nếu người hôn mang mầm bệnh này.

Để đảm bảo an toàn, bạn nên lịch sự đề nghị khách không hôn trẻ khi đến thăm và yêu cầu họ rửa tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc. Hãy cứng rắn nhưng nhẹ nhàng, vì sức khỏe của trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu, và hầu hết mọi người sẽ thông cảm với điều này.

Rung lắc trẻ

Nhiều cha mẹ thường rung lắc trẻ để dỗ bé nín khóc hoặc ru ngủ. Tuy nhiên, đây là thói quen rất nguy hiểm. Não và phần cổ của trẻ sơ sinh còn mềm yếu, hộp sọ chưa phát triển hoàn thiện. Việc rung lắc mạnh có thể gây chấn thương não nghiêm trọng, dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí tử vong.

Hãy luôn nhẹ nhàng khi chăm sóc trẻ và tránh những hành động gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé.

 
Rung lắc để dỗ trẻ ngừng khóc hay ru ngủ là thói quen sai lầm nhiều cha mẹ vẫn mắc phải. Ảnh minh họa: Thebump.

Cho trẻ uống nước và ăn dặm sớm

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong 6 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh không cần uống nước. Nhu cầu dinh dưỡng và nước của trẻ được cung cấp đầy đủ thông qua sữa mẹ. Hơn nữa, hệ tiêu hóa của trẻ dưới 6 tháng tuổi còn non nớt, chưa đủ khả năng xử lý thêm bất kỳ loại chất lỏng nào khác ngoài sữa mẹ.

Việc cho trẻ ăn dặm hoặc uống các loại thực phẩm, chất lỏng khác trước 6 tháng tuổi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là tiêu chảy, khiến trẻ suy dinh dưỡng và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, trẻ có thể bú mẹ ít đi, dẫn đến giảm nguồn sữa mẹ - nguồn dinh dưỡng an toàn và quan trọng nhất trong giai đoạn này.

Sữa mẹ không chỉ là thực phẩm hoàn hảo mà còn giúp bảo vệ sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ trong 6 tháng đầu đời.

Quấn trẻ quá nhiều lớp

Theo The Sun, nhiều cha mẹ cho rằng quấn trẻ sơ sinh giúp giữ ấm, mô phỏng nhiệt độ bên trong tử cung của mẹ. Tuy nhiên, quấn bé quá nóng có thể gây hại, làm tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).

Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo nên duy trì nhiệt độ phòng từ 18 đến 20 độ C để bé cảm thấy thoải mái. Tránh đặt trẻ gần lò sưởi và không đội mũ khi bé ngủ.

Để kiểm tra nhiệt độ của bé, cha mẹ có thể chạm vào bụng trẻ - nhiệt độ bụng nên ấm nhưng không nóng. Nếu trẻ có dấu hiệu má đỏ hoặc đổ mồ hôi nhiều, đó là cảnh báo bé đang bị quá nóng và cần điều chỉnh ngay.

Để trẻ nằm sấp

Nhiều mẹ nghĩ rằng đặt bé nằm sấp có thể giúp trẻ không bị nghẹn. Nhưng các bác sĩ cho biết tư thế này rất nguy hiểm vì nó có thể gây hội chứng SIDS.

SIDS xảy ra khi em bé hít phải khí carbon dioxide của chính mình thải ra nhiều lần. Điều này xảy ra nếu mặt con hướng phải thứ gì đó kín gió như tấm nệm hoặc gối. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ nằm ngửa.

Việc cho trẻ sơ sinh nằm sấp có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của trẻ. Ảnh minh họa: Unsplash.

Nuôi con, chữa bệnh theo truyền miệng, dân gian

Theo Parents, trong những tuần đầu tiên chăm trẻ sơ sinh, bạn thường tìm kiếm lời khuyên từ những người từng trải qua giai đoạn này. Thậm chí, nhiều người dù chưa có kinh nghiệm vẫn sẽ đưa ra đề xuất nào đó. Nhưng không phải mọi người đều có ý kiến thống nhất với nhau và nhiều ý kiến chưa chắc đã đúng.

Đặc biệt, nhiều cha mẹ cũng tham khảo ý kiến của người khác hoặc trên mạng xã hội, kinh nghiệm truyền miệng dân gian khi con bị bệnh như tiêu chảy, bỏng, chướng bụng... Tuy nhiên, việc này có thể làm chậm trễ việc điều trị cho em bé, làm tăng nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.