Theo các chuyên gia y tế, với người bệnh đái tháo đường, ngoài việc kiểm soát đường máu bằng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp thì tập thể dục là thực sự rất cần cần thiết. 

Tập thể dục giúp người bệnh tiểu đường giảm cân nặng, huyết áp, lượng đường và mỡ máu, tim và hai lá phổi khỏe hơn. Tập thể dục còn giúp xương chắc khỏe, tăng năng lượng, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ,…

Chế độ tập luyện tốt và đúng sẽ rất hữu ích giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu và giảm các biến chứng, đặc biệt biến chứng tim mạch giúp cải thiện sức khỏe nói chung và góp phần năng cao chất lượng cuộc sống. 

Lưu ý đối với người bệnh tiểu đường khi tập thể dục:

Trước khi tập thể dục

Người bệnh nên uống 500-600 ml nước vào khoảng 2-3 giờ trước khi tập thể dục giúp tránh mất nước, giảm chuột rút, tăng cường lưu thông máu, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Trước 5 phút khi tập, cơ thể cần được khởi động với các bài tập nhẹ, giúp tăng dần nhiệt độ cơ thể, máu lưu thông tốt hơn, ngừa đau khớp, chuột rút...

Chuẩn bị 4-5 viên kẹo hoặc viên glucose hoặc 2 ống gel glucose để sử dụng giúp kiểm soát lượng đường trong máu do hạ đường huyết. Tốt nhất nên mang theo điện thoại để dự phòng các tình huống nguy hiểm.

Trong khi tập

Người bệnh tiểu đường nên theo dõi chặt chẽ đường huyết, duy trì ở mức 100-200mg/dl (5,5-11,1 mmol/l), nếu thấp hơn nên nghỉ ngơi, bổ sung kẹo hoặc nước trái cây.

Người bệnh nên bắt đầu tập luyện với mức độ từ từ sau đó tăng dần để cơ thể thích ứng dần với bài tập. Ngừng tập nếu có các dấu hiệu bất thường như: choáng váng, ra mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, đau tức ngực hoặc bụng, kiệt sức...

Sau khi tập

Người bệnh nên kiểm tra đường huyết sau khi tập để lựa chọn được bài tập phù hợp với khả năng của cơ thể. Mức đường huyết vẫn nên duy trì trong khoảng 100-200 mg/dl (5,5-11,1 mmol/l). Thư giãn cơ để tăng lượng máu đến các cơ, tránh đau nhức cơ.

Uống nước sau khi tập luyện để bù lượng nước bị mất do đổ mồ hôi, tăng cường lưu thông tuần hoàn, giảm tình trạng mỏi cơ.

5 chế độ tập luyện phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường

Đi bộ

Đi bộ có lẽ là một trong những hoạt động đơn giản mà được khuyến khích nhiều nhất và dễ nhất đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Đi bộ nhanh với mục đích làm tăng nhịp tim cũng tương đương như một bài tập Aerobic. Các nghiên cứu cho thấy cần đi bộ ít nhất 3 lần/tuần là tốt nhất.

Tập dưỡng sinh

Dưỡng sinh là một hình thức luyện tập lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường. Dù chỉ là các động tác nhẹ nhàng như nó cũng được xem là môn thể dục và còn giảm nguy cơ té ngã, giảm căng thẳng, cải thiện sự cân bằng cũng như làm giảm tổn thương thần kinh do biến chứng tiểu đường.

Tập yoga

Một trong những lợi thế của yoga với vai trò là một bài tập là bạn có thể thực hiện nó bao nhiêu lần tùy thích. Đồng thời, tương tự như tập dưỡng sinh, yoga cũng là một phương pháp giảm căng thẳng tuyệt vời cho bệnh nhân tiểu đường khi mà cơ chế sinh lý đã cho thấy mức độ căng thẳng càng tăng cao thì lượng đường trong máu cũng sẽ tăng theo.

Bơi lội

Bơi lội cũng được xem là một bài tập thể dục nhịp điệu toàn thân và một bài tập lý tưởng cho người bệnh tiểu đường. Lợi ích nổi bật của bơi lội là không gây áp lực lên trên các khớp xương lớn khi vấn đề thoái hóa khớp tỷ lệ thuận với tuổi tác. Bơi cũng giúp giải phóng đôi chân so với các hình thức tập thể dục khác, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ.

Đạp xe đạp tại chỗ

Một chiếc xe đạp đặt cố định là một điều lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường vì sẽ giúp cho họ có thể tập luyện tại nhà, trong bất kể thời tiết như thế nào. Ngoài ra, phương pháp này giúp họ không phải lo lắng về nguy cơ bị té ngã hoặc chấn thương. Bên cạnh đó, các hoạt động chân khi đi xe đạp còn cải thiện lưu lượng máu đến chân, giúp dòng máu được lưu thông tốt hơn.