Nhu cầu kali của cơ thể mỗi người là gì? 

Nhu cầu kali cần thiết mỗi ngày ở người bình thường là 4.700 miligam (mg) kali, được lấy chủ yếu qua nguồn thực phẩm chứa nhiều Kali. Việc bổ sung kali có thể thay đổi ở những người mắc bệnh về thận, cụ thể là ít hơn 4.700 mg/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Bởi vì khi thận hoạt động không tốt, quá nhiều kali sẽ tích tụ lại trong cơ thể dẫn đến các vấn đề bất thường liên quan tới thần kinh và cơ bắp.

Ngoài ra, nồng độ kali trong cơ thể còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố hormone và những loại thuốc khác bệnh nhân đang sử dụng. Do đó người bị bệnh thận nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng kali cần bổ sung thích hợp, từ đó điều chỉnh lại chế độ ăn uống.

Những nhóm thực phẩm giàu kali mà bạn nên thử

Một số loại cá

Một số loại cá có chứa nhiều kali có thể kể đến như: cá ngừ, cá bơn, cá tuyết, cá hồi và cá đá (Rockfish). Ngoài ra vài loại hải sản khác cũng rất giàu dưỡng chất này, chẳng hạn như 100g ngao có chứa đến 534 mg kali.

Nếu không có nhiều thời gian nấu nướng thì cá hồi đóng hộp cũng là một gợi ý hay cho những người bị thiếu kali trong cơ thể. Món ăn này rất dễ chế biến, giàu omega-3 tốt cho sức khỏe tim mạch và đặc biệt là cung cấp cho cơ thể khoảng 487 mg kali/ 28g cá hồi (đáp ứng 10% nhu cầu kali hàng ngày).

Trái cây và rau củ quả

Khi nói đến những thực phẩm nào chứa nhiều kali, nhiều người thường chỉ nghĩ đến một loại quả quen thuộc là chuối. Tuy nhiên ngoài chuối, còn nhiều loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày cũng chứa hàm lượng kali rất lớn, chẳng hạn như:

- Trái cây tươi: Cam, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, quả bơ, mơ, bưởi;

- Trái cây sấy khô: Mận khô, nho khô và chà là;

- Nước ép trái cây: Cam, cà chua, dưa hấu, mận, nước dừa, quả mơ và bưởi;

- Rau: Rau lá xanh, măng tây, rau chân vịt và bông cải xanh luộc;

- Củ quả: Dưa leo tươi và khoai tây, khoai lang, cà tím, nấm, củ cải, củ dền, bí ngô chế biến.

Sữa và sữa chua

Sữa là nguồn cung cấp các khoáng chất cần thiết như canxi, magiê và kali mà cơ thể cần để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy sử dụng sữa ít béo giảm nguy cơ tăng huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ. Hàm lượng kali trong 1 cốc sữa ít chất béo là 350-380mg; 1 cốc sữa chua ít chất béo là 563mg.