Bắp cải được coi là loại rau quốc dân vì dễ ăn, dễ chế biến, lại để được khá lâu. Đây cũng là thực phẩm tốt cho sức khỏe do giàu vitamin A và P, 2 chất khi kết hợp sẽ giúp thành mạch máu bền vững hơn.

Vitamin C, E, B cũng có nhiều trong loại rau này, giúp tăng sức đề kháng, chống lão hóa, tốt cho hệ thần kinh và tăng cường trao đổi chất trong cơ thể. Bắp cải cung cấp rất ít calo nên cũng có lợi cho người muốn ăn kiêng. Tuy nhiên không phải ai cũng ăn được bắp cải dù tốt, đặc biệt là nhóm người sau đây nếu không muốn bệnh chồng bệnh.

Người bị loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ

Bên trong bắp cải có chứa một lượng nhỏ goitrin, chất này có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây ra bệnh bướu cổ. Với người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Với những người này, nên ăn bắp cải ở một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó, goitrin sẽ bị phân hủy hết.

Người bị đau dạ dày

Bắp cải là loại rau có chứa nhiều chất xơ nên có lợi cho sức khoẻ. Nhưng khi ăn quá nhiều bắp cải sống dễ làm sinh ra nhiều khí gây ra bệnh đầy bụng. Cách tốt nhất với những người bị bệnh đau dạ dày nên nấu chín bắp cải trước khi ăn để bảo vệ sức khoẻ của mình.

Người suy thận

Đặc biệt những người bị suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải. Đối với người táo bón, tiểu ít thì không nên ăn bắp cải sống hoặc dưa bắp cải muối mà phải nấu chín.

Bắp cải chứa nhiều axit oxalic. Chất này khi được nạp vào quá nhiều sẽ dễ kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết khác trong cơ thể bạn như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat. Muối canxi oxalat có thể lắng đọng ở thận, làm tăng nguy cơ sỏi thận, gây ra sỏi thận.

Do đó, những người bị sỏi thận nên hạn chế dùng bắp cải; còn người suy thận tốt nhất không nên ăn loại rau này. 

Nếu muốn giảm thiểu lượng axit oxalic trong bắp cải, bạn nên cắt nhỏ và nấu kỹ.