Mật ong pha nước nóng hay nước lạnh thì tốt hơn? Bác sĩ lý giải tin đồn pha mật ong với nước nóng tạo chất độc
Mật ong là thực phẩm quen thuộc của nhiều người, có thành phần chủ yếu là đường fructose, vitamin, chất khoáng như kali, canxi, kẽm, vitamin C và các chất chống oxy hóa, các chất có hoạt tính kháng sinh, kháng viêm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mật ong có thể giúp vết thương nhanh lành, giảm ho, ngăn ngừa các tổn thương tế bào, giúp giảm cholesterol, tăng sức đề kháng, giúp đẹp da và cải thiện giấc ngủ...
Tuy nhiên mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng, cho mật ong vào nước nóng không tốt, dễ tạo thành chất độc gây hại cho cơ thể. Điều này đã gây nhiều bất ngờ và hoang mang cho những người có thói quen pha mật ong với nước nóng để uống hằng ngày hoặc để thêm mật ong vào các món được đun ở nhiệt độ cao.
Không nên pha mật ong với nước nóng trên 60 độ C
Giải đáp những lo lắng trên, chia sẻ trên mạng xã hội, tiến sĩ Saurabh Sethi, bác sĩ tiêu hóa tại California, Mỹ cho rằng: “Thêm mật ong vào nước nóng tạo thành chất độc gây hại cho cơ thế là hoàn toàn không chính xác”.
Theo bác sĩ Saurabh Sethi, việc thêm mật ong vào nước nóng hoặc đồ uống nóng như trà, cà phê chỉ làm giảm giá trị dinh dưỡng của mật ong chứ không gây độc. Điều này là do nhiệt độ của nước nóng có thể phá hủy các enzyme, vitamin, khoáng chất có lợi có trong mật ong.
Theo bác sĩ, pha mật ong với nước nóng không tạo chất độc, nhưng sẽ giảm giá trị dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Saurabh Sethi khuyến cáo, mọi người không nên sử dụng nước sôi hoặc trà quá nóng để pha cùng mật ong. Thay vào đó nên đợi nước hoặc trà nguội bớt rồi mới thêm mật. Việc pha mật ong với nước ấm sẽ giúp giữ được tối đa các chất dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.
Chia sẻ với Báo Vnexpres, Ths.BS dinh dưỡng Nguyễn Anh Duy Tùng cũng cho rằng, mật ong có hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp ngăn sự phát triển của vi sinh vật có khả năng gây nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, đặc tính kháng khuẩn và chống viêm của mật ong hỗ trợ làm tăng tốc độ chữa lành vết thương.
Người bệnh có thể uống mật ong khi ho, cảm lạnh, viêm, đau họng. Nó giúp giảm tần suất cơn ho, cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những người bị nhiễm trùng đường hô hấp.
Theo bác sĩ Tùng, chúng ta nên pha mật ong với nước ấm, nhiệt độ nước khoảng 30-40 độ C. Bởi, nước ấm thúc đẩy tiết nước bọt, giúp bôi trơn cổ họng, có tác dụng làm dịu những cơn đau nhanh chóng hơn. Độ nóng, ẩm còn hỗ trợ làm loãng dịch nhầy, giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi thường gặp khi đau họng.
Theo các bác sĩ, chúng ta chỉ nên pha mật ong với nước ở nhiệt độ 30-40 độ C. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Tùng lưu ý, không pha mật ong với nước quá nóng, không đun sôi mật ong vì có thể khiến mật ong đổi vị hay một số thành phần cũng bị biến đổi khi đun nóng trên 60 độ C. Các vitamin và khoáng chất trong mật ong khi gặp nhiệt độ cao thường bị phá hủy. Ngoài ra, bạn nên mua mật ong chất lượng, bảo quản tốt để không sinh ra các chất có hại cho sức khỏe.
BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng khẳng định, lời đồn trên đối với mật ong là không đúng, dễ gây hoang mang cho nhiều người.
Theo bác sĩ Vũ, khi dùng mật ong, chúng ta nên chọn mua ở những nơi uy tín, bảo quản mật bằng các vật dụng không gây phản ứng oxy hóa với các thành phần của thực phẩm này. Và để không làm giảm đi các thành phần dinh dưỡng tốt có trong mật ong, chúng ta nên pha với nước ở nhiệt độ ấm, không nên quá nóng.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....