Khi bé còn trong bụng mẹ, dây rốn có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ sang bé để phát triển từng ngày. Đến khi bé con chào đời, dây rốn không cần thực hiện nhiệm vụ của mình nữa sẽ được bác sĩ cắt bỏ, đánh dấu việc chào đời của bé.

Dây rốn của trẻ sơ sinh lúc mới sinh ra rất dài - Ảnh minh họa: Internet

Lúc này bé hoàn toàn độc lập với cơ thể của mẹ. Dây rốn trước đây có chiều dài 20 – 60cm, sau khi cắt để lại cuống rốn khoảng 4 – 5cm và sẽ tự khô dần rồi rụng.

Sau khi chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn của trẻ, chỉ chừa lại khoảng 4 - 5cm - Ảnh minh họa: Internet

Cuống rốn được xem là một vết thương hở, khả năng nhiễm trùng rất cao, đặc biệt là nhiễm trùng máu rất nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Do đó, mẹ cần biết cách vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách.

Cách vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh

Bước 1: Trước khi tiến hành vệ sinh rốn cho trẻ, mẹ cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng. Sau đó sát trùng lại một lần nữa bằng cồn 90 độ.

Bước 2: Tháo băng rốn (nếu có) ra và quan sát xem có dấu hiệu nào bất thường hay không. Ví dụ: Cuống rốn có mùi lạ, xuất hiện dịch mủ, có tình trạng sưng đỏ hoặc chảy máu không để kịp thời mang bé đến bác sĩ thăm khám.

Bước 3: Khi cuống rốn bé vẫn bình thường và không có dấu hiệu lạ, mẹ dùng miếng bông gòn hoặc tăm bông khô, sạch, thấm cồn 70 độ và lau sạch vùng cuống rốn cho trẻ theo thứ từ chân rốn lến cuống rốn rồi lau ra vùng da xung quanh. Có thể thay tăm bông mới để vệ sinh thêm lần nữa cho sạch sẽ.

Vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh bằng cồn 70 độ - Ảnh minh họa: Internet

Bước 4: Dùng một miếng gạc mỏng, sạch và băng cố định hoặc quấn 1 vòng quanh bụng bé. Lưu ý mẹ chỉ quấn vừa tay, không nên quấn quá chặt và chỉ sử dụng gạc thật mỏng để che lên cuống rốn.

Trên thực tế, cuống rốn trẻ sơ sinh không cần thiết phải băng lại. Tuy nhiên nếu cẩn thận hơn, cha mẹ có thể băng một lớp mỏng như chỉ dẫn để tránh phân và nước tiểu của bé dính lên cuống rốn.  

Sai lầm cần tránh khi thực hiện vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh

Băng gạc trên rốn quá chặt hoặc băng quá kín: Ngược với suy nghĩ của mẹ, việc băng quá chặt hoặc kín không những không có tác dụng bảo vệ rốn mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí phát triển, nguy cơ bé bị nhiễm trùng sẽ cao hơn.

Để bỉm bọc qua rốn: Không nên mặc bỉm qua rốn cho trẻ mà chỉ bọc phía dưới rốn. Điều này sẽ ngăn không cho phân su và nước tiểu của trẻ theo bỉm đến tiếp xúc với rốn.

Không để bỉm của bé bọc qua rốn - Ảnh minh họa: Internet

Tự ý giật cuống rốn của trẻ trước khi rốn tự rụng: Rốn khô và rụng là một quá trình tự nhiên. Nếu mẹ giật hoặc kéo cuống rốn khi rốn còn “non” sẽ gây đau, chảy máu và nhiễm trùng rốn ở trẻ.

Rốn khô sẽ tự rụng mà không cần mẹ phải can thiệp vào - Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ ngâm mình trong nước quá lâu: Với trẻ chưa rụng rốn, khi tắm mẹ nên hạn chế ngâm rốn của bé trong nước. Việc này sẽ làm rốn bé lâu khô, kéo dài thời gian rụng rốn và có thể nhiễm trùng.

Bôi hoặc đặp thuốc lạ lên rốn trẻ: Nhiều bà mẹ nghe theo kinh nghiệm dân gian thường đắp lá, đắp á phiện, rắc bột tiêu… để giúp cuống rốn mau khô, nhanh rụng.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế cảnh báo các phương pháp này là sai lầm. Mẹ nên để rốn trẻ khô tự nhiên nhất, không bôi hoặc đắp bắt kỳ thứ gì lên rốn của em bé sơ sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Thuộc lòng cách vệ sinh cuống rốn cho trẻ sơ sinh bằng cồn 70 độ là việc làm đầu tiên mà mẹ bỉm sữa cần học hỏi và tập tành để chăm sóc em bé thật khỏe mạnh.