Bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám và tư vấn cho người bệnh mắc bệnh giang mai. Ảnh: BVCC.

Tại Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục do Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tổ chức ngày 1/12, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phan Thuý, Giám đốc bệnh viện, cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 1 triệu người mắc mới các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs), đa số là không có triệu chứng.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, năm 2022 có 205 triệu ca mắc STIs. Trong khi đó, theo số liệu của CDC châu Âu, năm 2019, số ca mắc STIs tăng đáng kể so với năm 2015.

STIs đang quay trở lại

Bác sĩ Thuý cho hay tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, từ năm 2021, số liệu các ca nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đến khám và điều trị có xu hướng tăng theo thời gian. Khi tỷ lệ mắc các bệnh do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục tăng, kéo theo sự bùng phát của một số bệnh lý STIs cổ điển, tưởng chừng như đã kiểm soát tốt.

Trong năm 2023, số lượng khám bệnh ngoại trú ở Bệnh viện Da Liễu TP.HCM là 768.836 lượt, trong đó, bệnh lý liên quan đến STIs là 75.037, chiếm 10%.

Không chỉ riêng ở TP.HCM, các chuyên gia dự báo trong một thập kỷ tới, ở 16 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc... tỷ lệ nhiễm STIs sẽ gia tăng với tốc độ khoảng 2,3% mỗi năm. Số ca bệnh do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cũng gia tăng ở các khu vực châu Mỹ và châu Phi.

"Số ca mắc bệnh giang mai đang ở mức báo động, tăng khoảng 183% từ sau năm 2018", bác sĩ Thuý nói.

Kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy tỷ lệ mắc giang mai ở những người quan hệ đồng giới nam (MSM) có khuynh hướng tăng cao. Số ca được ghi nhận năm 2011 là 6,7%, đến năm 2022 tăng lên 9,3%. Trong mô hình bệnh tật STIs ở TP.HCM, giang mai đứng thứ 2 trong số những bệnh mắc nhiều nhất (đứng thứ nhất là sùi mào gà).

Trong quá trình thăm khám giai đoạn 2018-2023, bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TP.HCM ghi nhận 35 ca giang mai ở lứa tuổi học sinh.

Người mắc bệnh giang mai bị tổn thương da. Ảnh: BVCC.
 

Sau giang mai, những bệnh STIs thường gặp ở Việt Nam là lậu, Chlamydia, Herpes, HPV, HIV và viêm niệu đạo do não mô cầu.

Trong năm 2019, bệnh viện ghi nhận 21 trường hợp viêm niệu đạo do não mô cầu. Bệnh này rất khó chẩn đoán trên lâm sàng vì dễ nhầm lẫn với viêm niệu đạo do lậu.

"Thông qua các con số này, chúng ta có thể thấy những bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục bị bỏ quên đang quay trở lại", bác sĩ Thuý chia sẻ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục không đứng yên mà sẽ thay đổi theo thời gian. Nguyên nhân là sự phổ biến của các ứng dụng hẹn hò, mạng xã hội làm gia tăng sự kết nối bạn bè, việc tìm kiếm bạn tình cũng từ đó dễ dàng hơn. Thêm nữa, sự gia tăng tỷ lệ quan hệ đồng giới nam, sử dụng ma tuý làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do STIs.

Tất cả xu hướng này tạo ra một thách thức lớn cho ngành y tế trong việc chủ động sớm tìm ra giải pháp để kiểm soát STIs, bác sĩ Thúy nhấn mạnh.

"Tảng băng chìm" nguy hiểm

Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay STIs giống như tảng băng chìm, nằm sâu dưới đáy biển. STIs là những bệnh nhiễm trùng bị lãng quên, nếu không phải bác sĩ da liễu thì ít ai quan tâm đến.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tảng băng này đang bắt đầu bộc lộ sự nguy hiểm, nó có ảnh hưởng rất lớn chứ không phải nhỏ, bác sĩ Châu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh các bệnh viện và chuyên gia cũng như ngành y tế cần hành động nhanh ngay từ bây giờ, để người dân hiểu về STIs và biết gánh nặng của các bệnh lý này. Ngành y tế cần triển khai phòng chống STIs trong 5 năm tới.

Các chuyên gia báo cáo tại hội thảo khoa học. Ảnh: BVCC.

Trong khi đó, chia sẻ thêm về những thách thức của ngành y tế gặp phải khi phòng chống và điều trị các bệnh do nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, PGS.TS Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Liên Chi hội Da liễu TP.HCM, chỉ ra 3 rào cản lớn:

Thứ nhất là chẩn đoán, chi phí xét nghiệm cao, khó triển khai rộng, các hội chứng dễ bị bỏ sót.

Thứ hai là khó khăn trong điều trị, hướng dẫn chưa thống nhất, còn gặp vấn đề trong kháng kháng sinh và có nguy cơ thiếu nguồn thuốc.

Thứ 3 là vấn đề phòng ngừa. Người dân còn khó tiếp cận được dịch vụ y tế vì tâm lý xấu hổ khi bị kỳ thị, nguồn lực y tế, xã hội chưa đáp ứng và không có biện pháp phòng ngừa mới.

Trước những thách thức đó, bác sĩ Hào cho rằng nên thực hiện nhiều biện pháp như phát triển các hướng dẫn, Chương trình Quốc gia, ở các tỉnh/thành. Ngành y tế cần triển khai các xét nghiệm chẩn đoán POCT nhanh, chi phí thấp. POCT (Point-of-care testing) là kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện ngay tại nơi chăm sóc bệnh nhân, thay vì phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm.

Đồng thời, các cơ sở y tế nên lồng ghép các dịch vụ STIs vào chăm sóc sức khoẻ ban đầu, thiết lập cơ sở điều trị chất lượng, thân thiện, dễ tiếp cận. Các bệnh viện cần đảm bảo cung ứng hoá chất, sinh phẩm, thuốc, theo dõi xu hướng STIs và các nghiên cứu khoa học về bệnh này.

Khi nói đến STIs là nói đến các bệnh do vi khuẩn, virus, vi sinh trùng, nấm gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục; có một số trường hợp ít phổ biến lây từ mẹ sang con, đường máu.

Tin liên quan