Khổ qua (Momordica charantia L.) còn có tên khác là Mướp đắng, Cẩm lệ chi, Hồng dương, Lại bồ đào là loại phổ biến, phân bố ở nhiều quốc gia vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là loại cây dây leo có tua cuốn đơn, mảnh. Thân có cạnh, lá mọc so le, chia 5 – 7 thùy, mép có răng cưa,  mặt dưới  màu nhạt hơn mặt trên,  gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài, cánh hoa màu vàng nhạt. Quả hình thoi, dài khoảng từ 8-15cm, mặt ngoài lồi lõm. Quả non có màu xanh, khi chín màu vàng hồng. Hạt dẹp, trông gần giống hạt Bí ngô, quanh hạt có màng đỏ bao quanh.

Thành phần hóa học và tác dụng dược lý

Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho biết trái Khổ qua có chứa:

Các Glucosid triterpenic: Charantin và hỗn hợp các chất thuộc nhóm Stgmastadienol.

Các chất hạ đường huyết: Pugazenthi – S – Murthy, chiết xuất ra 3 chất được đặt tên là Kakara.

Protein: Các nhà khoa học đã tìm ra trong trái Khổ qua có chứa 1 số Protein có tác dụng kìm hãm sự phát triển của tế bào.

Đã phát hiện 17 loại Acid amin thiết yếu và không thiết yếu.

Lipid: Chiếm khoảng 0,76% (theo trọng lượng khô) bao gồm các Lipid không phân cực, Glucolipid và Phospholipid.

Các sắc tố, chủ yếu là Lycopen, lượng Lycopen tăng dần theo độ chín của quả.

Các Vitamin và khoáng chất có lợi như: Vitamin B1 0,8mg, Vitamin B2 0,2mg, Vitamin PP 3.72mg, Vitamin E 18,7mg, β – caroten 0,56mg tính trên 100g trái mướp đắng. Các yếu tố vi lượng như Mg, Ca, Cu, Fe, Zn.

Một số Alcol bậc nhất và Aldehyl: Myrtenol, Hexanol, Benzylaleol…

Các chất trên còn được tìm thấy trong lá và hạt Khổ qua nhưng hàm lượng khác nhau.

Dịch ép từ trái Khổ qua có tác dụng hạ Glucose máu trên động vật thực nghiệm được gây bệnh đái tháo đường không phụ thuộc vào insuline và trên động vật thực nghiệm được gây bệnh đái tháo đường phụ thuộc vào insuline lại không có tác dụng hạ đường huyết. Dịch ép từ trái Khổ qua có tác dụng làm tăng đáng kể sự dung nạp Glucose ở 73% bệnh nhân đái tháo đường type 2. Ngoài tác dụng hạ đường huyết, mướp đắng còn có một số tác dụng dược lý khác như có hoạt tính chống ung thư đặc biệt là các tế bào Lympho ác tính, kìm khuẩn mạnh, ức chế bào tử nấm, hạt Khổ qua còn có tác dụng diệt giun tròn.

Theo y học cổ truyền Khổ qua có vị đắng (khổ) tính lạnh (hàn), quy Tâm, Can, Phế kinh có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát, minh mục.

Ứng dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường

Người ta dùng trái Khổ qua để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 2 bằng nước ép và các món ăn chế biến từ nó.

Đối với bệnh  nhân đái tháo đường type 2 cần dùng 50ml nước ép Khổ qua uống vào mỗi sáng lúc đói, có thể uống hỗn hợp nước ép Khổ qua và nước ép Lý gai (Amla) với tỉ lệ 1:1. Bệnh nhân dùng duy trì liên tục trong 2 tháng sẽ có hiệu quả rõ rệt.

Các món ăn bài thuốc chữa tiểu đường hiệu quả, dễ làm:

Khổ qua 100g, tuỵ lợn 1 cái, nấm hương 200g. Nấu thành canh, ăn 2-3 bữa/tuần. Dùng cho những người tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch.

Khổ qua 100g, nấm hương 150g, đậu ván trắng (Bạch biển đậu) 200g. Nấu thành cháo. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ đường huyết. Dùng cho những người tiểu đường, ăn uống kém, gầy sút. Có thể dùng hằng ngày thay cơm.

Khổ qua 150g, đậu phụ 200g, nấm hương 200g. Nấu thành canh. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid có hiệu quả tốt.

Khổ qua 100g, nấm hương 200g, mộc nhĩ 150g, thịt nạc (lợn hoặc ức gà) 200g. Nấu thành canh, ăn 2 - 4 bữa/tuần. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid, tăng huyết áp.

Khổ qua 150g, Hoài sơn 10g, Ý dĩ 15g, nấm hương 100g, thịt nạc 200g. Hầm lên ăn cùng cơm 2 – 3 lần/tuần. Dùng cho người tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, suy nhược cơ thể.

Khổ qua 1 quả to, nấm hương 50g, trứng gà 2 quả. Xào lên ăn cùng cơm. Dùng cho người bị bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa Lipid, mẩn ngứa…

Chú ý: Trong các món canh, món hầm, Khổ qua được cho vào sau, không nấu quá kỹ làm mất đi các Enzyme, các khoáng chất tự nhiên có tác dụng chữa bệnh trong trái Khổ qua.