Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Pexels.

Sốt xuất huyết là do virus DENV gây ra, bệnh này lây truyền qua muỗi Aedes aegypti. Nó có 4 loại huyết thanh riêng biệt (DENV-1, DENV-2, DENV-3 và DENV-4), có nghĩa là một người có thể bị nhiễm tới 4 lần.

Hầu hết triệu chứng đều nhẹ nhưng có thể xảy ra nhiễm trùng nặng, đặc biệt trong trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ hai. Nó có thể dẫn đến tổn thương nội tạng và thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Tại sao mắc sốt xuất huyết lần 2 có thể nặng hơn?

Theo Healthshots, hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh do muỗi truyền này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 100-400 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết xảy ra mỗi năm, khiến khoảng một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc căn bệnh này. Bệnh này do một trong 4 loại huyết thanh sốt xuất huyết gây ra.

Bạn có thể được miễn nhiễm với một trong các phiên bản sau khi bị nhiễm nó. Điều này là do hệ thống miễn dịch của bạn sẽ có thể phát hiện nhiễm trùng nếu nó tái phát lần thứ hai và chống lại nó. Vì cơ thể biết cách chống lại phiên bản cụ thể đó, bạn sẽ không bị bệnh với nó nữa.

Tuy nhiên, tiến sĩ Ankit Bansal, chuyên gia nội khoa và bệnh truyền nhiễm tại Viện Y tế Hành động Sri Balaji (Ấn Độ), cho biết: "Nhưng nếu bạn bị nhiễm một loại huyết thanh khác sau lần nhiễm đầu tiên, phản ứng miễn dịch của bạn có thể giúp virus lây lan trong cơ thể nhanh hơn".

Điều này có thể xảy ra do hệ thống miễn dịch chưa quen với phiên bản mới của bệnh và có thể khiến cơ thể phản ứng hung hãn. Nó còn có thể dẫn đến hội chứng sốc sốt xuất huyết, loại bệnh sốt xuất huyết nặng và liên quan đến chảy máu, rò rỉ huyết tương và sốc. Theo WHO, những người bị nhiễm lần thứ hai có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng cao hơn, có thể đe dọa đến tính mạng.

Tái nhiễm sốt xuất huyết thường gây bệnh nặng hơn, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Ảnh minh họa: Freepik.

Các triệu chứng lần 2 có gì khác?

Các triệu chứng sốt xuất huyết như sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau sau mắt, đau khớp và cơ và phát ban, thường xuất hiện từ 4 đến 10 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng ở lần nhiễm trùng thứ hai ban đầu có thể giống nhưng thường nghiêm trọng hơn. Mặc dù cả 2 lần nhiễm trùng thường bắt đầu bằng sốt, nhức đầu, đau cơ và phát ban, lần mắc bệnh thứ 2 sẽ làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo WHO, các triệu chứng sốt xuất huyết nặng có thể bao gồm:

  • Đau dữ dội ở bụng
  • Nôn dai dẳng
  • Thở nhanh
  • Chảy máu mũi
  • Chảy máu nướu răng
  • Mệt mỏi
  • Bồn chồn
  • Nôn ra máu
  • Cảm thấy rất khát
  • Da lạnh và nhợt nhạt.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, những triệu chứng này thường bắt đầu từ 24 đến 48 giờ sau khi hết sốt.

Tiến sĩ Bansal cho biết: "Điều này là do phản ứng miễn dịch được tăng cường gọi là 'tăng cường phụ thuộc vào kháng thể', khiến cơ thể phản ứng mạnh hơn. Vì vậy, nhiễm sốt xuất huyết lần thứ hai cần được theo dõi cẩn thận hơn và can thiệp y tế ngay lập tức, đặc biệt nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn".

Ngăn ngừa tái phát rất quan trọng vì những lần nhiễm trùng sau thường nghiêm trọng hơn và có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng. Những người dưới đây có nguy cơ cao hơn:

  • Người sống trong hoặc đi du lịch đến các vùng lưu hành bệnh có nguy cơ cao bị tái nhiễm sốt xuất huyết do tiếp xúc thường xuyên với virus
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn trẻ nhỏ và người già, dễ bị biến chứng do nhiễm trùng lần thứ hai
  • Người trước đây bị nhiễm một loại huyết thanh DENV có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu họ nhiễm một loại huyết thanh khác.
Tin liên quan