Đi tiểu mấy lần 1 đêm thì được coi là mắc chứng tiểu đêm?
Tôi được biết chứng tiểu đêm thường xảy ra ở người trên 50 tuổi, tôi năm nay mới 35 tuổi mà mỗi đêm đã phải dậy đi tiểu từ 3-4 lần mặc dù không uống nước trước khi ngủ 2 tiếng.
Liệu có phải tôi đã mắc chứng tiểu đêm không? (Phan Văn Tân, Phú Thọ)
Trả lời
Bàng quang của người trưởng thành khỏe mạnh có thể chứa từ 300-400 ml nước tiểu. Khi đầy, bàng quang sẽ kích thích dẫn truyền lên não bộ để tạo ra phản xạ đi tiểu. Trong giấc ngủ đêm, thần kinh sẽ ức chế không cho bàng quang co bóp để tạo phản xạ đi tiểu, giúp duy trì giấc ngủ ngon.
Tiểu đêm là tình trạng người bệnh thường xuyên thức giấc nhiều hơn một lần để đi tiểu vào ban đêm và việc này lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi, đặc biệt là ở người trên 50 tuổi.
Khi thức dậy đi tiểu nhiều hơn 2 lần trong đêm, đây có thể là triệu chứng ban đầu của bệnh lý ở thận hoặc một số vấn đề về chức năng sinh lý.
Chứng tiểu đêm có thể gặp ở cả 2 giới và mọi lứa tuổi. Theo các nghiên cứu, khoảng 13% người mắc bệnh này ở độ tuổi dưới 40 tuổi, 60-70% ở lứa tuổi trên 60.
Nguyên nhân dẫn đến chứng tiểu đêm
Vào ban đêm, thận có chức năng cô đặc nước tiểu để lượng nước tiểu sản xuất ra đủ chứa đựng trong bàng quang, giúp cơ thể người không cần thức dậy vào ban đêm để đi tiểu.
Để thực hiện việc cô đặc nước tiểu, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan từ hệ thần kinh, hệ nội tiết, thận và bàng quang. Khi có một bất thường nào đó ở một trong các cơ quan trên sẽ gây ra chứng tiểu đêm.
Theo báo cáo của Hội Niệu khoa châu Âu năm 2019, có ba nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiểu đêm: do mất ngủ, do đa niệu về đêm, hoặc do giảm dung tích chức năng của bàng quang.
Tỉ lệ người mắc bệnh đến khám còn ít
Tiểu đêm là căn bệnh phổ biến, nhưng không nhiều người đi khám do nghĩ rằng đây là bệnh lý bình thường do tuổi tác, “đến tuổi cao thì ai cũng mắc”. Cũng có nhiều người cho rằng chứng này do cơ địa, không chữa được; cùng với đó là nhiều người cảm thấy e ngại vì đã mắc bệnh.
Như vậy, có thể nói chủ quan và tâm lý e dè là nguyên nhân khiến tỉ lệ người mắc chứng tiểu đêm đến thăm khám tại các cơ sở y tế còn thấp.
Trong quá trình thăm khám người bệnh, “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh tiểu đêm là nhật ký nước tiểu. Người bệnh cần ghi nhật ký này trong vòng 3 ngày, nếu khối lượng nước tiểu ban đêm được ghi nhận lớn hơn 33% tổng khối lượng nước tiểu trong 24 giờ và chứng này đã kéo dài trong nhiều ngày, gây mệt mỏi và bất tiện trong cuộc sống, thì người bệnh được chẩn đoán đã mắc chứng tiểu đêm.
Ngoài ra, người bệnh sẽ được làm thêm các xét nghiệm về sinh hóa máu, nước tiểu và thăm khám cận lâm sàng thăm dò chức năng như siêu âm ổ bụng, siêu âm tim; chụp X-quang tim, phổi; chụp CT; và nội soi bàng quang.
Người mắc chứng tiểu đêm nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, gây mất ngủ, hao mòn sức khỏe, giảm sức đề kháng, lâu dần có thể gây rối loạn tâm thần, thậm chí làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ lên gấp 1,5 lần.
Hiện tại, chứng tiểu đêm được điều trị dựa theo từng người bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Việc xác định nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa rất lớn để xây dựng được phác đồ điều trị cá thể hóa đối với mỗi bệnh nhân.
Bác sĩ NGUYỄN THỊ VIÊN, Trung tâm Thận - Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.