Học sinh cần hoạt động thể lực đúng cách giúp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm
Theo một nghiên cứu cách đây không lâu được Bộ Y tế công bố, gần 30% dân số Việt Nam thiếu hoạt động thể lực, tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn. Cùng với thói quen ăn muối quá nhiều, ăn rau xanh quá ít, ăn nhiều đồ ăn nhanh thì lười vận động là một trong những căn nguyên, là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ ở Việt Nam cũng thiếu hoạt động thể lực. Khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và trung học cơ sỏ (THCS) ở Hà Nội, TP.HCM cho thấy 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động.
Bác sĩ tại nhiều cơ sở y tế chuyên khoa Nhi, Dinh dưỡng, than phiền khi hầu hết trẻ tới khám đều trong tình trạng lười vận động trong khi đây là mối nguy về lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Nhiều căn bệnh dễ nhận thấy từ đó như: Béo phì, bệnh lý về thần kinh, bệnh về mắt, thậm chí có nguy cơ trầm cảm...
Theo các bác sĩ khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch và các bệnh mạn tính khác.
Hiện nay, đa số trẻ thường dành nhiều thời gian rảnh để xem tivi, chơi game hay xem điện thoại mà không vận động, hình thành cho trẻ thói quen xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Không ít trẻ cho rằng đã học môn Thể dục ở trường, về nhà không cần vận động, hoặc "đổ" cho thực tế khách quan là không có người chơi cùng, không có không gian chạy nhảy.
Bên cạnh đó, thói quen của cha mẹ cũng khiến nhiều em ở các thành phố lớn lười vận động, như đưa đón hàng ngày bằng ô tô, xe máy, dù trường cách nhà không xa, trẻ có thể đi bộ cùng cha mẹ; về nhà không phải phụ cha mẹ lau nhà, lau cầu thang. Nhiều cha mẹ nghĩ thương con học hành liên tục nên để các em dùng máy tính, điện thoại hoặc tivi như một hình thức giải trí.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, khẳng định vận động thể lực đúng cách giúp phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh lý tim mạch, bởi vận động giảm mỡ máu, giảm dung nạp đường huyết, tăng sức chịu đựng của cơ tim…
Với lứa tuổi học sinh, các chuyên gia khuyên cần vận động, hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày. Theo khuyến cáo, cha mẹ hãy kiên trì từng chút một cho quá trình luyện tập của con, đầu tiên chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, đạt mức 60 phút mỗi ngày tập luyện đều đặn là rất lý tưởng. Ít nhất 3 ngày/tuần nên có các hoạt động tăng cường cơ bắp và xương.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ khác nhau. Trong đó, với trẻ 3-4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.
Với học sinh, sinh viên, nhà trường nên tổ chức tốt các chương trình giáo dục thể chất trong trường học, tổ chức đa dạng các loại hình vận động thể lực ngoại khóa, tăng cường vận động thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí… bảo đảm mỗi học sinh được vận động thể lực tối thiểu 60 phút một ngày.
Về tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học, mục tiêu 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...