Bà N.T.C., sinh năm 1955, trú tại Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng đau nhức sườn phải, tức ngực, khó thở. Kết quả chụp X-quang cho thấy nhiều dịch màng phổi.

Ngay sau đó bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa kết hợp chọc hút màng phổi. Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm.

Phần phổi bị đông đặc của bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Tiếp tục chụp CT phổi cho bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy trong phổi tồn tại nhiều ổ cặn xơ hóa khiến phổi đông đặc, các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định mổ hút ổ cặn màng phổi cho bệnh nhân.

Một trường hợp khác là ông N.V.T., sinh năm 1959 trú tại Long Biên, Hà Nội xuất hiện tình trạng khó thở, đau tức ngực trái và đã điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng không hiệu quả.

Đến khi tình trạng suy hô hấp, đau quặn bên ngực phải ngày càng gia tăng, bệnh nhân mới được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu. Sau khi chụp CT màng phổi, bác sĩ thấy bệnh nhân có tình trạng đông đặc, viêm dính rất nhiều ở nhu mô phổi.

Bệnh nhân được chuyển khoa Truyền nhiễm nằm điều trị. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân T. được chụp CT ngực kiểm tra, cho thấy phần phổi xẹp có phục hồi tương đối nhưng ổ áp xe chưa được dẫn lưu hoàn toàn, còn nhiều mủ đọng nơi lá tạng.

Đồng thời, sau giai đoạn viêm mủ, hai màng phổi có những chỗ dày lên và dính lại với nhau khiến cho chức năng hô hấp bị ảnh hưởng và tạo thành các khoang bên trong khiến cho việc dẫn lưu dịch và khí trong khoang màng phổi không còn hiệu quả. Khoa Truyền nhiễm đã hội chẩn với khoa Ngoại tổng hợp để lên phương án điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Với 2 trường hợp bệnh nhân trên, kíp phẫu thuật do ThS.BS Nguyễn Văn Lâm - khoa Ngoại tổng hợp đã quyết định phẫu thuật bằng phương pháp nội soi để giải quyết triệt để áp xe phổi.

Trong mổ, các bác sĩ kiểm tra lá phổi trái hoạt động tốt, còn phổi bên phải tổn thương, phù nề, nhiều ổ áp xe. Người bệnh được bóc sạch mô hoại tử, làm sạch khoang màng phổi, đặt ống dẫn lưu. Với bệnh nhân T. do nhiều tổn thương và triệu chứng nặng hơn nên ca phẫu thuật phức tạp và kéo dài hơn so với bệnh nhân C.

Sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, tiếp tục điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng, cần thời gian dài để hồi phục. Đặc biệt qua khai thác tiền sử bệnh, hai bệnh nhân đều mắc Covid-19 và cho biết trước khi có tình trạng đau tức ngực, cả hai đều không có biểu hiện gì mà vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, cho tới khi có cơn đau quặn thắt bên ngực trái và tình trạng khó thở tăng dần lên.

Riêng đối với bệnh nhân C., ông cho biết mình có thói quen hút thuốc hơn 30 năm nay.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Lâm, tổn thương phổi sau nhiễm Covid-19 là di chứng thường gặp đối với bệnh nhân F0, có nhiều mức độ tổn thương khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tình trạng viêm phổi, xơ phổi, ảnh hưởng chức năng hô hấp.

Riêng tình trạng phổi nhiễm trùng hoại tử, tạo ra nhiều ổ áp xe bên trong khoang ngực đã có ghi nhận trong các báo cáo về Covid-19 trên thế giới. Đây là di chứng gây khó khăn trong điều trị, có thể tái nhiễm nhiều lần, thậm chí trở thành nhiễm trùng mạn tính. Để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình người dân nên đi thăm khám thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe.