CÁCH NGÂM DẤM TỎI
 
Tỏi sống hay tỏi muối chua khi sử dụng thường xuyên có tác dụng phòng ngừa các bệnh về tim mạch, giúp giảm cholesterol máu, giúp hòa tan các protein dễ gây tắc nghẽn mạch máu. Tỏi còn là phương thuốc dân gian chữa các bệnh như rối lọan tiêu hóa, ho, cảm cúm... Bài viết này chia sẻ chút kinh nghiệm nho nhỏ khi ngâm một lọ dấm tỏi thơm ngon và không bị xanh.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tỏi bị xanh, nhất là vào mùa ẩm ướt, là tỏi phơi còn ẩm và tỏi còn non, dễ bị mọc mầm bên trong. Vậy nên khi mua tỏi, dù là tỏi ta hay tỏi tầu, nhớ chọn củ khô, chắc, không ọp, vỏ mỏng trắng sáng, cuống tỏi thắt nhỏ, tép tỏi to và đanh.
 
 
Nếu tỏi có mầm thì bổ đôi tép tỏi, cậy bỏ mầm, hòa một thìa cà phê muối vào lít nước lọc, ngâm tỏi khoảng 1h-2h hoặc có thể lâu hơn. Bước này giúp loại bỏ bớt nhựa, tỏi sẽ trắng hơn và đỡ mùi hăng, muối cũng có tác dụng làm giảm ô xy hóa trên bề mặt tỏi, làm tỏi không bị thâm.
 
 
Vớt tỏi ra rổ, tráng lại bằng nước đun sôi để nguội, chờ cho ráo nước. Lọ thủy tinh rửa sạch tráng nước sôi
Dấm trắng nên dùng dấm lên men tự nhiên từ gạo hay hoa quả, tránh dùng dấm công nghiệp làm từ a xít chanh hay pha từ các loại bột chua khác.
 
 
2 lít dấm trắng ngâm với
3 lạng tỏi bóc thành phẩm
1,5 lạng ớt tươi, để nguyên quả hoặc cắt lát bỏ hạt
1,5 lạng đường trắng
1/2 thìa muối.
Hòa tan hỗn hợp trên rồi cho tỏi ớt vào ngâm.
 
Lưu ý:
Mọi người có thể ngâm trực tiếp hoặc đun sôi dấm rồi chờ nguội rồi bỏ ớt tỏi sau, nếu chọn đun dấm thì có thể cho thêm 150ml rượu trắng, rượu khi đun sẽ bay hết hơi cồn và lọ dấm tỏi ngâm sẽ có mùi thơm rất đặc biệt.
Ngâm một vài ngày là dùng được, mỗi lần dùng lấy thìa múc ra một ít, còn dư không nên đổ ngược lại vào lọ dấm vì sẽ bị nổi váng, nếu dùng ít có thể cất cả lọ vào tủ mát, thành phẩm thu được là lọ dấm thơm, tỏi trắng, độ chua dịu, vị mặn ngọt vừa phải và không có mùi hăng.
Chúc mọi người làm thành công!
Nguồn: Phùng Hà (Yêu Bếp)
Tin liên quan