Còn trẻ huyết áp cao

Anh Nguyễn Văn Công 27 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội đi kiểm tra sức khỏe vì thời gian gần đây anh thường xuyên mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt. Khi khám cho anh bác sĩ đo huyết áp phát hiện anh bị tăng huyết áp với chỉ số 140/100 mmhg. Anh Công ngỡ ngàng vì tăng huyết áp chỉ ở người già anh còn trẻ mà đã bị.

Tăng huyết áp khiến anh luôn thấy mệt mỏi. May mắn anh được bác sĩ khám và tư vấn nên có thể điều trị để phòng các biến chứng xảy ra.

Trường hợp của ông Bùi Văn Hạc, 57 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu vì đột quỵ. Khi chụp CT bác sĩ phát hiện ông bị xuất huyết não và vùng xuất huyết lớn, ở phần não thất.

Dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng sau 4 ngày nhập viện gia đình đã xin về. Ông Hạc bị cao huyết áp  không điều trị triệt để.

Ông thường xuyên chủ quan vì nghĩ rằng nó là bệnh bình thường đến khi huyết áp lên cao đột ngột gây xuất huyết não bác sĩ muốn cứu cũng khó.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh, mỗi năm có khoảng 10 triệu người tử vong và hơn 100 triệu người bị tàn phế. Đến năm 2015 cả thế giới có khoảng 1.5 tỷ người mắc tăng huyết áp.

Đo huyết áp thường xuyên để  biết mình có bị tăng huyết áp không - Ảnh minh họa: Internet

Theo thống kê của Hội tim mạch Việt Nam ở nước ta tăng huyết áp đang tăng cao trung bình khoảng 1 % năm. Có khoảng 48 % người trưởng thành bị tăng huyết áp và trong số đó hơn một nửa người tăng huyết áp không biết mình bị tăng huyết áp dẫn đến việc điều trị không triệt để và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang – Tổng thư ký Hội tim mạch Việt Nam cho biết tăng huyết áp đang ngày gia tăng mạnh mẽ trong cộng đồng đối với các nước đang phát triển tăng nhanh và ở Việt Nam trung bình trong cộng đồng mỗi năm tăng khoảng 1000 dân. Mỗi năm tăng khoảng 1 % tỷ lệ người bị tăng huyết áp bất kể người già trẻ, nông thôn hay thành thị.

Tại sao tăng huyết áp trẻ hoá? Theo PGS Quang nguyên nhân của tăng huyết áp 90 % người ta không biết rõ nguyên nhân nhưng 10 % có nguyên nhân. Sự tương tác của lối sống làm gia tăng mức độ huyết áp như lối sống, stress, lười vận động.

PGS Quang cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp nền kinh tế, lối sống, kiểu sống cổ truyền ăn nhiều rau, hoạt đông nhiều chuyển sang lối sống mới ăn nhiều thịt, ít vận động, thừa calo gây béo phì và tác động mạnh mẽ tới huyết áp.

Làm gì khi bị tăng huyết áp

Theo PGS Quang tăng huyết áp không có dấu hiệu của bệnh mà bệnh cứ âm thầm diễn ra và gây biến chứng. Chỉ một số người thấy chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, mệt mỏi đi kiểm tra thì huyết áp lên cao còn lại nó không diễn ra rầm rộ. Vì thế người ta gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng nó gây nên đột tử, nhồi máu cơ tim, tắc mạch, suy thận, suy tim…

Huyết áp gây nhiều biến chứng trong đó có đột quỵ và suy tim - Ảnh minh họa: Internet

Khi bị tăng huyết áp, việc điều trị bệnh là quá trình lâu dài. Huyết áp tăng dần theo thời gian nên điều trị tăng huyết áp cũng là rất lâu dài thậm chí suốt đời.

Có hai thành phần quan trọng trong điều trị tăng huyết áp đó là thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc. Tăng huyết áp thường đi kèm các yếu tố khác như thừa cân, béo phì, stress, ăn mặn… 

PGS Quang nhấn mạnh hiện nay thay đổi lối sống là cách cơ bản trong điều trị tăng huyết áp. Mặc dù số bệnh nhân tăng huyết áp cao nhưng đại đa ở độ 1, thời điểm này hoàn toàn có thể thay đổi lối sống tốt để kiểm soát huyết áp ở độ thấp. Trường hợp bệnh nhân không đưa được con số huyết áp về mức bình thường sẽ được cho dùng thuốc.

PGS Quang cũng cho biết ở người có thêm đái tháo đường cần điều trị huyết áp sớm ngăn ngừa tổn thương huyết áp lên các cơ quan khác như tim, thận, mắt…

Để biết mình có tăng huyết áp hay không, PGS Quang cho biết cách tốt nhất là đo huyết áp định kỳ. Đo huyết áp định kỳ hàng năm, hàng tháng. Huyết áp ở mức bình thường 120/80 chỉ đo hàng năm nếu cao hơn chỉ số này cần đo thường xuyên hơn.