Sau cơn đột quỵ ở tuổi 33 cách đây 14 năm, Chris mất khả năng sử dụng tay trái - tay thuận của anh, phải học lại cả những vận động đơn giản nhất như múc đồ ăn, cài nút áo. Anh dần rơi vào hố sâu tuyệt vọng. 

Khi quá sức chịu đựng, Chris đến các bác sĩ tâm lý và được chẩn đoán mắc trầm cảm. Anh được một nhà trị liệu tâm lý điều trị bằng liệu pháp hành vi nhận thức, song những phấn chấn tinh thần chỉ đến trong một thời gian ngắn. Bệnh càng tồi tệ khi cả công việc và hôn nhân của anh đều đổ vỡ. 

Cuộc sống của Chris gặp nguy hiểm, một bác sĩ giới thiệu anh tới điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Ở đó, Chris nhận được những hỗ trợ cần thiết, được kê thuốc uống trị trầm cảm.

Chris cho biết hiện trạng thái tinh thần của anh đã ổn định, cân bằng hơn. "Quãng thời gian điều trị tâm lý giúp tôi kiểm soát được tâm trạng, học được cách đối mặt với những thách thức trong cuộc sống", Chris nói. "Tôi sẽ tiếp tục điều trị trầm cảm cho đến khi chắc chắn có thể tự xoay xở mà không cần thuốc". 

Chris Tan 47 tuổi may mắn vượt qua trầm cảm. Ảnh: SCMP 

Một yếu tố quan trọng trong hành trình vượt qua cơn trầm cảm của Chris là sự hỗ trợ từ bạn bè và gia đình. Anh kể lại mỗi khi suy sụp và muốn cô lập bản thân, một người bạn sẽ mời tới nhà chơi để anh phấn chấn hơn.

Chị gái nói với anh rằng "chị luôn ở bên cạnh em", sẵn sàng lắng nghe tâm sự bất cứ khi nào. Một người chị khác tìm hiểu, gợi ý anh những phương pháp điều trị trầm cảm mới như thôi miên, thanh toán chi phí giúp vì biết rằng anh đang gặp khó khăn tài chính.  

"Sự quan tâm của họ thật sự đã giúp tôi vượt qua những ngày tháng khó khăn. Biết rằng có ai đó yêu quý, quân tâm đến mình rất tuyệt vời", Chris xúc động. "Nếu bạn biết ai đó đang phải chống chọi với trầm cảm, hãy nhớ rằng một lời động viên, chia sẻ, một cử chỉ ân cần có sức mạnh rất lớn". 

Nhiều người đôi khi không muốn tìm đến và ở bên cạnh bệnh nhân trầm cảm, đặc biệt khi đó là người thân. Họ không chấp nhận việc người thân của mình muốn ở một mình, thấy bực bội vì phải cố gắng bắt chuyện mà không được đáp lại nhiệt tình. Sự thất thường trong cảm xúc, hành động của người trầm cảm cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm trạng người thân. 

Cố vấn lâm sàng Sam Roberts. Ảnh: SCMP 

Sự cô lập xã hội và thiếu hỗ trợ xã hội liên quan tới trầm cảm. Điều ngược lại cũng đúng. Nghiên cứu tại Australia đăng trên tạp chí Research in Medical Science năm 2014 chỉ ra hỗ trợ xã hội, đặc biệt hỗ trợ từ gia đình có tác dụng ngăn, hoặc giảm nhẹ tình trạng trầm cảm, lo âu. Thể hiện sự ủng hộ, tình yêu vô điều kiện của bạn cho những người trầm cảm biết rất quan trọng.

"Người thân có vai trò quan trọng trên con đường vượt qua giai đoạn trầm cảm của một người, song chỉ ở bên cạnh họ là chưa đủ", Sam Roberts, cố vấn lâm sàng tại Olive Branch Counselling and Treatment Haven, Singapore, nói. 

Theo ông, người thân, bạn bè có thể thể hiện sự quan tâm chăm sóc bằng cách đặt những câu hỏi như "Bạn ổn chứ?", "Bạn có muốn nói chuyện không?", "Tôi có thể ở bên cạnh hôm nay chứ?" "Tôi có thể giúp bạn điều gì không?" với thái độ cởi mở, không phán xét.

Ông cũng nhấn mạnh có thể bạn sẽ không nhận lại phản hồi của họ ngay lập tức, bởi tại thời điểm đó, có thể họ đang bị choáng ngợp với những câu hỏi, cảm thấy không ai hiểu họ, thiếu niềm tin vào bản thân. Trong trường hợp này, điều cần làm là thể hiện lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, kiên nhẫn cho họ không gian và thời gian.

Nếu người thân bắt đầu mở lòng về những suy nghĩ, cảm xúc của họ, bạn có thể phản hồi lại bằng những câu như "Mình rất tiếc bạn phải trải qua thời gian khó khăn, nhưng hãy nhớ rằng mình luôn bên cạnh lắng nghe bạn", và "Cảm ơn vì đã tin tưởng chia sẻ với mình, mình đã hiểu hơn về những gì bạn đang phải trải qua". 

Chris cho biết anh đồng ý với quan điểm trên, những người bị trầm cảm cần không gian để xử lý những gì họ đang đối mặt. "Hãy hỏi han chúng tôi thường xuyên để đảm bảo sức khỏe thể chất của chúng tôi tốt", anh nói. "Trò chuyện cùng chúng tôi qua tin nhắn, emails để chúng tôi biết mình được quan tâm cũng là cách rất tốt. Khi chúng tôi chọn bạn để chia sẻ mọi suy nghĩ, hãy lắng nghe và đừng đánh giá chúng tôi". 

Gia đình, bạn bè nên tiếp cận bệnh nhân trầm cảm một cách tinh tế, nhẹ nhàng, không có thái độ đánh giá. Ảnh: SCMP 

Điều cần tránh đầu tiên khi bạn muốn giúp đỡ những người trầm cảm là đừng cố gắng phân tích, chẩn đoán như một bác sĩ tâm lý. Thứ hai, không nói những câu triết lý sáo rỗng như "hãy tích cực lên", "hãy buông bỏ những điều tiêu cực đi", "những khó khăn rồi sẽ qua".

Chris chia sẻ dù bạn có ý tốt khi nói những câu này, nhưng thực tế có thể khiến tình trạng trầm cảm xấu đi. Tương tự, những câu nói như "Chỉ là bạn đang quan trọng hóa vấn đề", "Tất cả mọi chuyện do bạn tự suy diễn ra thôi", "Bạn ích kỷ quá không nghĩ cho người khác" sẽ chỉ khiến người bị trầm cảm thêm buồn lòng. 

"Nếu họ có thể vượt qua cơn trầm cảm một cách dễ dàng như vậy, họ đã vượt qua từ lâu rồi", Chris chia sẻ". "Trầm cảm không phải là lựa chọn của bất kỳ ai".   

Một số biểu hiện của trầm cảm là có hành vi thất thường, hay cáu kỉnh, ủ rũ, muốn cô lập bản thân, gặp vấn đề ăn uống, rối loạn giấc ngủ và không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ bình thường. Theo Sam, gia đình, bạn bè nên tiếp cận bệnh nhân trầm cảm một cách tinh tế, nhẹ nhàng, không có thái độ đánh giá. "Hãy nhớ rằng trầm cảm là một bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị, dù là dùng thuốc hay điều trị liệu pháp hay cả hai. Vì vậy, điều quan trọng là giới thiệu người thân của bạn với một ai đó có thể giúp đỡ họ", chuyên gia tâm lý Sam Robert nói.