Theo bác sĩ, đột quỵ do nắng nóng có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não.

Nguyên nhân là do cơ thể bị mất muối và nước kéo dài kèm theo sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh.

Nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 400C, kèm các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê …).

Khi thấy triệu chứng của bệnh này, phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bị nạn nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao.

Giảm nhiệt cho nạn nhân bằng cách dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Ngoài đột quỵ, bác sĩ Hậu cũng hướng dẫn người dân cách xử lý một số bệnh do nắng nóng như:

Phù do nhiệt

Khi thời tiết quá nắng nóng, có một số người sẽ bị phù ở bàn chân do nhiệt độ. Triệu chứng này sẽ mất đi khi cơ thể bù đủ nước mà không cần dùng thuốc. Người dân cũng không nên dùng thuốc lợi tiểu vì sẽ làm cơ thể mất nước nhiều hơn.

Phát ban

Ngoài phù do nhiệt độ, một số người sẽ bị phát ban. Theo bác sĩ Hậu, nguyên nhân là do những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay nhiệt độ cao bên ngoài dễ bị kích thích làm xuất hiện nổi mẩn ngứa, mề đay. Sau một thời gian sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu.

Nếu bị ngứa nhiều có thể dùng các loại thuốc kháng dị ứng thông thường, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng; sau đó cơ thể sẽ tự điều chỉnh và các triệu chứng sẽ biến mất.

Nắng nóng một số người sẽ bị nổi ban

Chuột rút

Những người lao động nặng hay những vận động viên phải tập luyện với cường độ cao. Trong khi cơ thể đang vận động và sinh nhiệt, gặp nhiệt độ môi trường cao sẽ dễ gây ra chuột rút do nhiệt. Người bệnh sẽ bị đau ở các bắp thịt, đặc biệt ở các bắp đùi, cẳng chân.

Nếu gặp các triệu chứng trên, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng.

Lưu ý không sử dụng nước lọc vì không thể đáp ứng nhu cầu mất muối và nước của cơ thể. Nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường… Sau khi nghỉ ngơi, bù nước các triệu chứng sẽ tự giới hạn và sẽ biến mất.

Ngất xỉu

Những người phải đi ngoài nắng, leo núi, di chuyển nhiều thường bị mất muối, nước. Nếu không bổ sung kịp sẽ làm nước trong lòng mạch máu giảm đi, làm giảm huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu lên não gây triệu chứng ngất xỉu.

Theo bác sĩ Hậu người bị ngất xỉu nên nằm đầu thấp, di chuyển đến vùng có không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng, theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện.

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng bác sĩ khuyến cáo người dân nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10g đến 16g.

Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao, nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần /giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

Chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống. Nên uống các loại nước vừa cung cấp nước và muối khoáng như đã nói ở trên.

Trong thời tiết nóng bức người dân phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp, ngộ độc thức ăn, bệnh lý về da, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng ...