Thuốc tisotumab vedotin (TV) chứa phân tử monomethyl auristatin E ngăn tế bào sinh sản được kỳ vọng đem đến cơ hội mới cho bệnh nhân ung thư.
Để đánh giá hiệu quả của loại thuốc này, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ung thư London và Tổ chức Tín nhiệm Royal Marsden NHS (Anh) đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên 147 bệnh nhân.
Nghiên cứu ban đầu cho thấy TV có khả năng điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, đặc biệt những loại có tỷ lệ sống thấp như ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thực quản và ung thư phổi.
Nhóm ung thư bàng quang có kết quả khả quan nhất với 27% có tình trạng bệnh ổn định hơn. Kết quả kém nhất thuộc về nhóm ung thư nội mạc tử cung, đạt 7%.
"Điểm thú vị của phương pháp điều trị này là cơ chế hoạt động hoàn toàn mới lạ. Thay vì tìm đến các tế bào ung thư và tấn công chúng từ bên ngoài, nó hoạt động giống như con ngựa thành Troia, bí mật xâm nhập và tiêu diệt tế bào bệnh từ bên trong", bác sĩ ung thư Johann de Bono từ Viện Nghiên cứu Ung thư London cho biết.
Trước khi thu được kết quả trên, TV đã trải qua quá trình thử nghiệm lâu dài. Năm 2013, thuốc bước vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên nhằm kiểm tra độ an toàn với sự tham gia của 27 bệnh nhân ung thư.
Một năm rưỡi sau đó, nhiều bệnh nhân xuất hiện biến chứng sức khỏe nguy hiểm như triệu chứng mắc tiểu đường type 2 cấp, viêm niêm mạc và sốt. Những tác dụng phụ kể trên giảm hẳn khi thuốc được kê với liều thấp hơn. Song, người bệnh vẫn có thể bị chảy máu cam, buồn nôn, mệt mỏi.
Thử nghiệm giai đoạn I là tiền đề để các nhà khoa học phát triển giai đoạn II, chứng minh rằng TV hiệu quả rõ rệt với bệnh nhân ung thư không đáp ứng các loại thuốc khác.
"Tác dụng phụ của thuốc TV có thể kiểm soát được", ông Bono khẳng định. "Chúng tôi nhận được phản ứng rất tốt từ các bệnh nhân tham gia thử nghiệm. Tất cả họ đều bị ung thư giai đoạn cuối, từng dùng nhiều loại thuốc khác nhau và thử nhiều cách điều trị trước đó nhưng đều không hiệu quả".
Giờ đây, bước tiếp theo cần làm là mở rộng thử nghiệm giai đoạn II với ung thư ruột, ung thư tuyến tụy và ung thư cổ tử cung.
TV không phải loại thuốc chữa bách bệnh hay thần dược chữa dứt điểm ung thư. Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều phương pháp chữa trị khác đều thất bại ngay từ đầu thì việc thuốc TV đem lại hiệu quả tương đối với hàng loạt các loại ung thư khó chữa là một điều kỳ diệu.
Nếu mọi thứ tiến triển tốt, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào giai đoạn thử nghiệm thứ III nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của thuốc so với các phương pháp điều trị tương tự.
"Chúng ta rất cần những phương pháp điều trị sáng tạo có thể chiến đấu với ung thư độc đáo như thế này. Điều đáng nói là thuốc có tác dụng ngay cả với những khối u kháng các liệu pháp thông thường," Science Alert trích lời ông Paul Workman, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Ung thư London.
Công trình trên được công bố trong The Lancet Oncology.